Multimedia Đọc Báo in

Tin đồn và luật pháp

14:27, 24/11/2012

Gần đây, từ những thông tin trên phương tiện truyền thông đã lan tới cộng đồng về câu chuyện “phạt xe không chính chủ”. Thông tin là cần thiết, tuy nhiên sau đó nó đã và đang được truyền đi theo dạng “tin đồn” gây nhiều băn khoăn, lo lắng.

Chúng ta đều biết, tin đồn chỉ là sự khẳng định chung của một nhóm người nào đó về một vấn đề nào đó của xã hội, có thể có thực hoặc không có thực; là tin truyền miệng nên không có dữ liệu kiểm chứng. Tin đồn càng hấp dẫn, bí hiểm, mơ hồ, thật giả lẫn lộn thì tốc độ lây lan càng lớn. Trong một môi trường càng thiếu thông tin chính thống thì tin đồn lại càng dễ lây lan và càng có cơ hội để phát huy tác dụng. Đối với luật pháp thì ngược lại, nó đòi hỏi độ chính xác cao, có văn bản cụ thể, đã nói là phải “nói có sách”. Do đó nói tới luật pháp là nói tới những quy định của Nhà nước, có tính bắt buộc, áp dụng chung. Đã là quy định của pháp luật thì mọi người đều phải có trách nhiệm thực hiện, nếu không, có thể sẽ phải chịu những biện pháp chế tài, cưỡng chế của Nhà nước. Vì vậy một khi luật pháp được hiểu và truyền đi dưới dạng “tin đồn” thì thật là tai hại, có khi để lại những hệ lụy khó lường.

Thực tế của chuyện “phạt xe không chính chủ”, đây hoàn toàn không phải là một quy định gì mới, mà chỉ là một điểm sửa đổi trong Nghị định số 71/2012 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 34/2010/NĐ-CP ngày 2-4-2010 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ (có hiệu lực kể từ ngày 10-11-2012).

Điều 33 Nghị định số 34/2010 quy định: Xử phạt chủ phương tiện vi phạm quy định liên quan đến giao thông đường bộ đối với hành vi không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định với mức tiền phạt cụ thể là: Phạt tiền từ 100.000-200.000 đồng đối với chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự mô tô... Phạt tiền từ 1.000.000-2.000.000 đồng đối với chủ xe ô tô, máy kéo, xe máy chuyên dùng và các loại xe tương tự ô tô.

Nghị định số 71/2012 đã sửa đổi mức phạt đối với hành vi này là: Phạt từ 6-10 triệu đồng với ôtô và 800.000 -1.200.000 đồng với xe máy.

Như vậy quy định xử phạt đối hành vi”Không chuyển quyền sở hữu phương tiện theo quy định” ( hay thường nói là không sang tên đổi chủ/ sử dụng phương tiện không chính chủ) đã có từ năm 2010, lần sửa đổi này chỉ là tăng mức phạt tiền lên nhiều lần mà thôi.

Vấn đề đặt ra ở đây là mức phạt như vậy áp dụng tại thời điểm này đã phù hợp chưa; có tính khả thi không; trách nhiệm của các cơ quan chức năng cần tuyên truyền, giải thích quy định này như thế nào cho cặn kẽ, cho đúng để người dân không hiểu nhầm, tránh gây lo lắng, xáo trộn trong sinh hoạt.

Công tác phổ biến, giáo dục pháp luật là khâu  đầu tiên của quá trình thi hành pháp luật và vừa qua đã được luật hóa. Luật xác định rất rõ trách nhiệm cung cấp thông tin của cơ quan Nhà nước và quyền được thông tin pháp luật của công dân. Đối với những quy định của luật pháp, nhất là những quy định liên quan trực tiếp đến người dân cần phải tăng cường công tác tuyên truyền, giải thích, hướng dẫn, không nên để luật pháp lan đi dưới dạng thông tin đồn thổi sẽ rất không có lợi.

Trương Thị Hiền


Ý kiến bạn đọc