Multimedia Đọc Báo in

TAND huyện cho hoãn thi hành án phạt tù trái quy định bị VKSND tỉnh kháng nghị

08:23, 18/01/2013

Thông qua công tác kiểm tra việc thực hiện kế hoạch công tác kiểm sát năm 2012 đối với  VKSND huyện Ea Súp, VKSND tỉnh phát hiện TAND huyện Ea Súp vi phạm pháp luật khi cho 2 bị án được hoãn thời hạn chấp hành hình phạt tù.

Tại Bản án số 384/2011/HSPT ngày 14-12-2011 của TAND tỉnh, bị án Hứa Văn Toàn (SN 1978, thường trú tại thôn 21, xã Ea Rôk, huyện Ea Súp) bị xử phạt 3 năm tù về tội “Hủy hoại rừng”. Thời hạn chấp hành hình phạt tù tính từ ngày bắt thi hành án.

Tại Bản án số 29/2012/HSST ngày 21-8-2012 của TAND huyện Ea Súp, bị án Nguyễn Mạnh Chiều (SN 1993, thường trú tại Buôn C, thị trấn Ea Súp, huyện Ea Súp) bị xử phạt 1 năm 6 tháng tù về tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Thời hạn tù kể từ ngày bắt thi hành án.

Sau khi TAND huyện Ea Súp ban hành Quyết định đưa các bản án trên ra thi hành, thì bị án Hứa Văn Toàn làm đơn xin hoãn với lý do: Đi làm đồng bị rắn độc cắn thối 2 ngón tay; Nguyễn Mạnh Chiều xin hoãn với lý do: Thường xuyên đau mặt, đau đầu về đêm rất khó thở, được các bác sĩ Bệnh viện Thiện Hạnh kết luận bị viêm xoang, viêm họng mãn tính phải nhập viện để điều trị.

TAND huyện Ea Súp thụ lý đơn, phối hợp cùng VKSND huyện xác minh tại Bệnh viện huyện Ea Súp ngày 10-10-2012. Kết quả: Bị án Nguyễn Mạnh Chiều được đưa đến cấp cứu và nhập viện ngày 9-10-2012, tình trạng sức khỏe yếu sau đó được chuyển xuống phòng cấp cứu ở khoa nội. Chẩn đoán ban đầu bệnh nhân bị viêm dạ dày, đau tức ngực. Ngày 11-10-2012 Chánh án TAND huyện Ea Súp đã ra Quyết định số 72/2012/QĐ-CA cho bị án Nguyễn Mạnh Chiều được hoãn chấp hành hình phạt tù 1 năm 6 tháng. Thời hạn được hoãn là 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Đối với bị án Hứa Văn Toàn, TAND huyện chỉ căn cứ vào đơn và sổ hộ nghèo do bị án cung cấp để ra Quyết định số 51/2012/QĐ-CA ngày 7-8-2012 cho bị án Hứa Văn Toàn được hoãn chấp hành hình phạt tù 3 năm. Thời hạn được hoãn là 6 tháng kể từ ngày ký quyết định.

Căn cứ Hướng dẫn tại tiết a, tiểu mục 7.1, Mục 7 Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP ngày 2-10-2007 của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao quy định: “Là người bị bệnh nặng, tức là bị bệnh đến mức không thể đi chấp hành hình phạt tù được… Ví dụ: ung thư giai đoạn cuối, xơ gan cổ chướng, lao nặng độ 4 kháng thuốc…. Phải có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh trở lên về việc người bị xử phạt tù bị bệnh nặng và nếu bắt họ đi chấp hành hình phạt tù sẽ nguy hiểm đến tính mạng của họ”.

Đối chiếu với các quy định trên của pháp luật thì bị án Hứa Văn Toàn; Nguyễn Mạnh Chiều không bị một trong các bệnh như đã viện dẫn trên và cũng không có kết luận của bệnh viện cấp tỉnh. Do đó bị án Hứa Văn Toàn; Nguyễn Mạnh Chiều không thuộc trường hợp được hoãn thi hành án theo quy định của pháp luật. Nhưng TAND huyện Ea Súp vẫn cho bị án Hứa Văn Toàn; Nguyễn Mạnh Chiều được hoãn thi hành án là vi phạm pháp luật nghiêm trọng.

VKSND tỉnh đã ban hành Quyết định kháng nghị Quyết định số 51/2012/QĐ-CA ngày 7-8-2012; Quyết định số 72/2012/QĐ-CA ngày 11-10-2012 của Chánh án TAND huyện Ea Súp và yêu cầu Chánh án TAND huyện Ea Súp ban hành Quyết định hủy Quyết định số 51/2012/QĐ-CA ngày 7-8-2012; Quyết định số 72/2012/QĐ-CA ngày 11-10-2012 của TAND huyện, đồng thời thông báo cho Hứa Văn Toàn và Nguyễn Mạnh Chiều vào thi hành án theo quy định của pháp luật.

Sau khi nhận được kháng nghị của VKSND tỉnh, Chánh án TAND huyện Ea Súp đã chấp nhận kháng nghị và ban hành Quyết định số 106/2012/QĐ-CA ngày 12-12-2012; Quyết định số 109/2012/QĐ-CA ngày 20-12-2012 hủy Quyết định số 51/2012/QĐ-CA ngày 7-8-2012 và Quyết định số 72/2012/QĐ-CA ngày 11-10-2012 của TAND huyện, đồng thời thông báo cho Hứa Văn Toàn và Nguyễn Mạnh Chiều vào thi hành án.

Phạm Hữu 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.