Multimedia Đọc Báo in

“Chuẩn hóa” lực lượng Công an xã qua Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của Công an xã, giai đoạn 2012-2016

10:11, 08/07/2013

Với mục tiêu tiếp tục xây dựng lực lượng công an xã đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, có năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ bảo vệ an ninh Tổ quốc trong tình hình mới, Công an tỉnh đã xây dựng Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của công an xã (CAX), giai đoạn 2012-2016.

Đây được xem là giải pháp cần thiết, kịp thời nhằm “chuẩn hóa”, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng này.

Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn.                         Ảnh: Thế Hùng
Công an xã Ea Kao (TP. Buôn Ma Thuột) kiểm tra hành chính một trường hợp tham gia giao thông trên đường liên thôn. Ảnh: Thế Hùng

Đề án “Tiếp tục củng cố, kiện toàn lực lượng Công an xã Dak Lak” giai đoạn 2006-2010, trước đó đã đánh giá một cách toàn diện, khách quan thực chất hoạt động của lực lượng CAX trên địa bàn tỉnh.  Về cơ bản lực lượng này đã phát huy tốt vai trò, chức năng, quyền hạn của mình, chủ động tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền các xã đề ra nhiều chủ trương, kế hoạch công tác đảm bảo an ninh chính trị ở địa bàn cơ sở; tổ chức xây dựng và phát động các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc và các phong trào cách mạng khác trên địa bàn, góp phần giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế-văn hóa, xã hội của tỉnh.  Qua 5 năm thực hiện Đề án, nhìn chung CAX đã cơ bản ổn định về mặt tổ chức, chất lượng, hiệu quả hoạt động có bước chuyển biến đáng kể. Tuy nhiên vẫn còn những tồn tại, hạn chế, yếu kém như: năng lực, trình độ chuyên môn nghiệp vụ của một bộ phận cán bộ CAX chưa đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ; công tác phối hợp với các ban ngành, đoàn thể giải quyết tình hình về an ninh trật tự ở cơ sở có lúc, có nơi còn bị động, chưa phát huy được sức mạnh cơ sở; công tác tham mưu cho cấp ủy đảng, chính quyền địa phương và công an cấp trên trong xây dựng chủ trương, kế hoạch, biện pháp công tác đảm bảo an ninh trật tự của một số đơn vị CAX chưa sâu sát, kịp thời… Theo kết quả phân loại, đánh giá CAX hằng năm, có 58,5% Trưởng CAX, 65% Phó Trưởng CAX và 55% công an viên phát huy tác dụng; 32,7% Trưởng, 20,5%  Phó Trưởng CAX và 35,7% công an viên hoạt động ở mức trung bình; 8,8% Trưởng, 14,5% Phó Trưởng CAX và 16,5% công an viên còn yếu kém.

Phân tích một trong những nguyên nhân chính của hạn chế trên, Công an tỉnh cho rằng vấn đề mấu chốt là do mặt bằng trình độ học vấn của lực lượng CAX còn thấp, bởi trong tổng số định biên lực lượng này giai đoạn 2006-2010 chỉ 30% có trình độ THPT (còn lại là THCS hoặc Tiểu học); số có trình độ chuyên môn nghiệp vụ qua đào tạo từ trung cấp trở lên chỉ chiếm 7,1%, còn lại 62,9% mới qua các lớp tập huấn. Vì vậy Đề án Nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng CAX, giai đoạn 2012-2016 được đánh giá là giải pháp quan trọng nhằm từng bước củng cố, kiện toàn, phát huy tối đa hiệu quả hoạt động của lực lượng nòng cốt này trong công tác đảm bảo an ninh trật tự xã hội tại cơ sở. Theo Đề án, lộ trình nâng cao chất lượng hoạt động của lực lượng CAX được cụ thể qua những mục tiêu rõ ràng, từ xây dựng định biên đến tổ chức đào tạo, huấn luyện bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị…cũng như trang bị phương tiện hỗ trợ, giải quyết chế độ, chính sách. Về định biên được bố trí như sau: Các xã loại 1, 2 và 3 mỗi xã gồm Trưởng CAX, 2 Phó Trưởng CAX và 3 công an viên thường trực; mỗi thôn, buôn bố trí một công an viên; đối với các thôn, buôn thuộc xã trọng điểm phức tạp về an ninh chính trị được bố trí 2 công an viên. Song song với việc củng cố, kiện toàn bộ máy, Đề án đặc biệt chú trọng đến công tác huấn luyện, bồi dưỡng nghiệp vụ chính trị, nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng này, với tổng kinh phí thực hiện lên đến 8,7 tỷ đồng. Cụ thể, hằng năm Công an tỉnh tổ chức huấn luyện, bồi dưỡng cho Trưởng, phó trưởng CAX; đào tạo trung cấp chuyên nghiệp, ngành quản lý trật tự xã hội cho 100% Trưởng CAX, đồng thời phân cấp cho công an huyện tổ chức tập huấn cho lực lượng công an viên; tuyển chọn người giữ chức vụ là Phó Trưởng CAX và công an viên phải có trình độ học vấn từ THPT trở lên… về đầu tư xây dựng trụ sở làm việc, đảm bảo trang bị phương tiện, công cụ hỗ trợ phục vụ nhiệm vụ sẽ có 152 trụ sở công an xã được xây mới, gồm các phòng làm việc, trực tiếp dân, kho vật chứng… với kinh phí thực hiện là 202,7 tỷ đồng. Về chế độ chính sách, lương của Trưởng, phụ cấp của Phó trưởng CAX và công an viên thực hiện theo Nghị định 73/2009 của Chính phủ. Ngoài ra hằng tháng được hưởng trợ cấp đặc thù 15% theo mức lương và phụ cấp của Trưởng, Phó trưởng Công an xã và công an viên; được đóng bảo hiểm xã hội đối với Phó Trưởng CAX; bảo hiểm y tế với công an viên, chế độ phụ cấp thâm niên cho cấp phó…

Hy vọng với những mục tiêu, giải pháp cụ thể mà Đề án đã xây dựng, thời gian tới chất lượng, hiệu quả hoạt động của lực lượng công an xã sẽ được nâng lên một bước, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là lực lượng nòng cốt trong bảo vệ an ninh trật tự tại cơ sở; xứng đáng là “trợ thủ” đắc lực của lực lượng Công an nhân dân trên mặt trận đấu tranh, phòng chống tội phạm, bảo vệ an ninh Tổ quốc.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.