Multimedia Đọc Báo in

Lao động xuất khẩu chui - Coi chừng "tiền mất, tật mang"

10:10, 24/12/2013
Nghe theo lời dụ dỗ của một số đối tượng trung gian, môi giới lao động ở huyện Diễn Châu (tỉnh Nghệ An), anh Nguyễn Văn Nam* (SN 1970), thường trú tại huyện Cư Kuin đã đi làm việc ở nước ngoài chui (theo visa du lịch) từ tháng 8-2010. Đến ngày 28-10-2013, anh đã gặp nạn trong lúc đang làm việc và tử vong ở Nga. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cùng các cơ quan chức năng huyện Cư Kuin đã hỗ trợ đưa thi thể người lao động về nước. Ngày 8-11-2013 Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cũng đã có công văn gửi UBND các huyện, thị, thành phố trong tỉnh cảnh báo về tình trạng người lao động bị lừa đi làm việc ở nước ngoài không có hợp đồng lao động và đề nghị các cơ quan chức năng địa phương nêu tình tiết vụ việc của lao động Nguyễn Văn Nam để làm gương, đồng thời thông tin tuyên truyền về tình trạng lừa đảo người lao động đi làm việc ở nước ngoài để người lao động chủ động phòng ngừa, không nghe theo lời dụ dỗ của những đối tượng cò mồi, trung gian.

Vụ việc của anh Nguyễn Văn Nam đã gióng lên hồi chuông cảnh báo cho những người lao động có ý định đi làm việc bất hợp pháp ở nước ngoài với mơ ước đổi đời. Trong thời gian qua, lợi dụng tâm lý muốn đi làm việc ở nước ngoài của người lao động, một số cá nhân núp bóng dưới danh nghĩa doanh nghiệp, tổ chức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài để thu số tiền môi giới lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm triệu đồng. Chúng hứa hẹn, vẽ ra cho người lao động viễn cảnh về một tương lai tốt đẹp ở nước ngoài với công việc có thu nhập cao, công việc ổn định, điều kiện lao động tốt… nhưng thực chất là lừa đảo. Không ít người lao động mạo hiểm với chính mạng sống của mình bằng con đường xuất khẩu lao động bất hợp pháp, liều lĩnh chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài không có hợp đồng lao động theo hình thức người thân, du lịch. Trong thực tế đã xảy ra nhiều trường hợp người lao động nhẹ dạ đã tin theo lời môi giới sẵn sàng vay mượn tiền để đi xuất khẩu lao động nhưng cuối cùng bị lừa đảo khiến “tiền mất tật mang”; hoặc những người chấp nhận đi làm việc ở nước ngoài không có hợp đồng lao động, đi làm chui luôn sống trong cảnh thấp thỏm lo sợ, chui nhủi trốn tránh chính quyền nước sở tại, rất dễ rơi vào hoàn cảnh “trắng tay”, thậm chí là mất mạng nơi đất khách quê người.

Vì vậy, những người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài nên đến những địa điểm tin cậy để được tư vấn như: Phòng Lao động – Tiền lương và Việc làm (Sở Lao động - Thương binh và Xã hội); Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị, thành phố; Trung tâm Giới thiệu việc làm tỉnh; các doanh nghiệp được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội giới thiệu bằng văn bản xuống tuyển lao động tại các địa phương.

Phan Thị Bích Phương

*Tên người lao động đã được thay đổi


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.