Multimedia Đọc Báo in

Thông tư to hơn Luật?

09:16, 15/06/2014
Ngày 11-6-2014 khi trả lời chất vấn của Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường đã khẳng định: “nguyên tắc là các văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn thi hành pháp luật không được trái với Hiến pháp và Luật”.

Chúng tôi hoàn toàn nhất trí với phát biểu của Bộ trưởng, nhưng thực tế lại không như vậy, xin nêu một ví dụ điển hình như sau:

Tại điều 30 Luật Khiếu nại năm 2011, quy định:

“Tổ chức đối thoại.

1. Trong quá trình giải quyết khiếu nại lần đầu, nếu yêu cầu của người khiếu nại và kết quả xác minh nội dung khiếu nại còn khác nhau, thì người giải quyết khiếu nại tổ chức đối thoại với người khiếu nại...”

2. Người giải quyết khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản với người khiếu nại....

3. Khi đối thoại, người giải quyết khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại...”

Tại điều 36 về thụ lý giải quyết khiếu nại lần hai”

“Trong thời hạn 10 ngày kề từ ngày nhận được đơn khiếu nại lần hai.... người giải quyết khiếu nại lần hai phải thụ lý giải quyết và thông báo bằng văn bản...”

Và điều 38 quy định về xác minh nội dung khiếu nại lần hai:

“Người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại lần hai căn cứ vào nội dung, tính chất của việc khiếu nại, tự mình tiến hành xác minh, kết luận...”

 Về người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại cũng đã được quy định rất rõ ràng từ điều 17 đến điều 26, mục 1 chương 3 Luật Khiếu nại về thẩm quyền giải quyết khiếu nại.

Thế nhưng, tại điểm a, khoản 1 điều 21 Thông tư 07/2013/TT-TTCP ngày 31-10-2013 của Thanh tra Chính phủ, về tổ chức đối thoại, đã quy định: “trong quá trình giải quyết khiếu nại lần 2, người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh tổ chức đối thoại”

Và tại  điểm a, điểm b, khoản 2 điều 21 Thông tư 07/2013 quy định về thành phần tham gia đối thoại gồm: “Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại...”

“Người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh khiếu nại có trách nhiệm thông báo bằng văn bản...”

“b) Nội dung đối thoại: người giải quyết khiếu nại hoặc người có trách nhiệm xác minh khiếu nại phải nêu rõ nội dung cần đối thoại...

Trong khi Luật Khiếu nại buộc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải tiến hành một số công việc trong quy định về giải quyết khiếu nại, nhất là trong việc đối thoại với người khiếu nại, người có thẩm quyền giải quyết phải trực tiếp tham gia đối thoại, thì Thông tư 07/2013/TT-TTCP lại cho phép thay thế người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại bằng người có trách nhiệm xác minh nội dung khiếu nại.

Việc quy định như trên của Thông tư 07/2013 là không phù hợp vì người có trách nhiệm xác minh khiếu nại có thể chỉ là một Thanh tra viên, và như vậy, người này không thể thay mặt người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại để điều hành cuộc đối thoại hoặc làm thay cho người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại về những việc mà Luật Khiếu nại buộc người có thẩm quyền giải quyết khiếu nại phải trực tiếp thực hiện.

Nói cách khác: Điều 21 của Thông tư 07/2013/TT-TTCP đã có nội dung trái với Luật Khiếu nại năm 2011.

Luật sư Tạ Quang Tòng

(Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư Dak Lak)


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.