Multimedia Đọc Báo in

Tình trạng mất an toàn giao thông trên đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột

09:00, 04/03/2016

Mặc dù mới thông xe kỹ thuật (đầu tháng 2-2016), nhưng trong thời gian qua trên công trình đường vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột đã xuất hiện một số vị trí mất an toàn, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao.

Theo thống kê của Đội CSGT (Công an TP. Buôn Ma Thuột), trước và sau thời điểm thông xe kỹ thuật tại đoạn đường trên đã xảy ra 4 vụ TNGT, làm chết 1 người, bị thương 3 người, hư hỏng 7 phương tiện, thiệt hại tài sản khoảng 46 triệu đồng. Đó là con số thống kê do lực lượng chức năng trực tiếp kiểm tra hiện trường, thụ lý, còn thực tế lớn hơn nhiều bởi các vụ va quệt nhau, các bên tự thỏa thuận, giải quyết mà không báo với cơ quan chức năng.

Một trong những nguyên nhân dẫn đến TNGT được xác định đó là do ý thức chủ quan của người tham gia giao thông. Đơn cử như vụ tai nạn xảy ra trên giao lộ vành đai phía Tây – đường Y Ngông nối dài vào ngày 22-12-2015 giữa xe tải mang BKS 47P-1134 và xe máy mang BKS 47L1-146.05 khiến chị Hoàng Thị Hà (SN 1994, trú tại thị trấn Buôn Trấp, huyện Krông Ana) tử vong tại chỗ. Được biết, đây là khu vực ngã Tư liền kề với khu dân cư, nhưng tài xế ôtô vẫn chạy với tốc độ cao dẫn đến tai nạn, gây ra cái chết thương tâm cho nạn nhân. Sau vụ tai nạn này không lâu, trên tuyến đường này lại xảy ra 1 vụ va chạm giao thông giữa xe mô tô và xe đạp điện, hậu quả, em Trần Gia Hy (SN 2004, xã Cư Êbur) bị thương nặng, CSGT Công an TP. Buôn Ma Thuột xác định do em Hy đi xe đạp điện ngược chiều. Trong tổng số 4 vụ TNGT thì có 2 vụ này (chiếm 50%) là do nguyên nhân chủ quan của người tham gia giao thông.

Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường 1 vụ TNGT tại giao lộ vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột với đường Y Ngông nối dài.
Lực lượng chức năng kiểm tra hiện trường 1 vụ TNGT tại giao lộ vành đai phía Tây TP. Buôn Ma Thuột với đường Y Ngông nối dài.

Bên cạnh nguyên nhân chủ quan, ý thức chưa cao của người tham gia giao thông, thì việc chậm triển khai các hạng mục còn lại như biển báo, đèn tín hiệu giao thông trên đường vành đai cũng là căn nguyên dẫn đến tai nạn. Hiện tại, việc kẻ vạch, phân làn xe cơ giới đã cơ bản hoàn thành, song các biển báo chỗ có, chỗ không nên người tham gia giao thông vẫn đi theo kiểu “tùy hứng”. Chẳng hạn, tại giao lộ đường vành đai phía Tây với đường Phan Huy Chú (trước Bến xe phía Nam Buôn Ma Thuột) là vị trí nút giao thông rất nguy hiểm, bởi lượng ôtô từ bến xe lưu thông rất nhiều, lại giao nhau với khu vực đông dân cư nên tiềm ẩn nguy cơ tai nạn rất cao. Tương tự, tại vòng xoay đường vành đai giao với Phạm Ngũ Lão, đây là đoạn đường có độ dốc cao lại tiếp giáp với khu dân cư nên đã xảy ra không ít vụ tai nạn và va chạm giao thông. Đơn cử như vụ va chạm gần đây giữa ôtô con BKS 47A – 008.03 và xe máy BKS 47K8 – 9911, khiến một phụ nữ bị thương nặng, xe máy bị cháy trơ khung; trước đó 1 tháng, tại khu vực này cũng xảy ra 1 vụ va chạm giữa taxi và mô tô, một người bị thương nặng… Theo kế hoạch, dự án đường vành đai phía Tây Buôn Ma Thuột phải hoàn thành vào cuối năm 2014, sau nhiều lần gia hạn, Chủ tịch UBND tỉnh đã có văn bản chỉ đạo phải hoàn thành vào cuối năm 2015, nhưng đến nay vẫn còn một số hạng mục đang trong giai đoạn triển khai. Theo Trung tá Nguyễn Đức Duy, Đội phó Đội CSGT (Công an TP. Buôn Ma Thuột), mặc dù đây là đường tránh, nhưng lại có quá nhiều điểm giao nhau với khu dân cư, nhiều đường nhánh nên khó tránh khỏi tai nạn và va chạm giao thông. Mặt khác, chủ đầu tư chưa hoàn thiện hệ thống biển báo, đèn tín hiệu giao thông cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến tai nạn. Điều này cũng gây không ít khó khăn cho lực lượng làm nhiệm vụ khi xác định nguyên nhân, chẳng hạn đối với những vụ tai nạn xảy ra ở đoạn đường chưa cắm biển ngược chiều, giới hạn tốc độ... Thêm vào đó, theo Thông tư 91/2015/TT-BGTVT của Bộ Giao thông Vận tải có hiệu lực từ ngày 1-3-2016 quy định về tốc độ và khoảng cách an toàn của xe cơ giới, xe máy chuyên dùng tham gia giao thông đường bộ thì tốc độ tối đa cho phép (theo tiêu chuẩn đường 1 chiều, có từ 2 làn xe cơ giới trở lên) đối với xe ôtô là 90 km/giờ. Theo đó, bắt đầu từ thời gian trên, tốc độ tối đa cho phép trên đường vành đai phía Tây cũng tăng lên, với quy định mới này sẽ giúp nhà xe tiết kiệm một phần nhiên liệu, thời gian xe lưu thông trên đường, nhưng nếu xảy ra tai nạn thì mức độ nghiêm trọng cũng rất cao, bởi đang chạy với tốc độ lớn, tài xế khó xử lý kịp tình huống.

Trong khi hạ tầng còn dở dang, để bảo đảm an toàn, lực lượng chức năng khuyến cáo người dân khi tham gia giao thông tại tuyến đường trên cần chấp hành nghiêm Luật Giao thông đường bộ. Đồng thời mong muốn chủ đầu tư nhanh chóng triển khai các hạng mục còn lại, nhất là hệ thống biển báo hiệu đường bộ để người dân và phương tiện lưu thông thuận lợi, an toàn.

 Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.