Multimedia Đọc Báo in

Chấn chỉnh việc thu phí đưa thực tập sinh sang làm việc tại Nhật Bản

08:40, 04/04/2016
Nhật Bản đang là thị trường chiến lược, tiềm năng, thu hút nhiều lao động Việt Nam nói chung, lao động Đắk Lắk nói riêng tham gia, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số…
 
Quý I năm 2016, có khoảng 150 lượt người tham vấn về chi phí, mức lương, công việc đối với thị trường này. Tuy nhiên, qua theo dõi của cơ quan chức năng, một số doanh nghiệp hoạt động tư vấn, tuyển lao động trên địa bàn tỉnh thu phí đối với người lao động là thực tập sinh thực tập kỹ năng tại Nhật Bản với mức từ 5.000 - 5.500 USD/người. Điều này đã làm ảnh hưởng đến quyền và lợi ích của các thực tập sinh, vì vậy người lao động tìm đến cơ quan quản lý nhà nước liên quan để xác minh thông tin về tính pháp lý của doanh nghiệp trước khi tham gia.

Để chấn chỉnh việc thu phí nêu trên của các doanh nghiệp, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng cho người lao động, tạo tâm lý yên tâm cho người lao động tham gia đi làm việc tại Nhật Bản, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đã ban hành công văn đề nghị các doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng được Sở giới thiệu đến các địa phương phải thực hiện thu phí đúng theo quy định. Cụ thể: mức phí mà doanh nghiệp được thu của thực tập sinh không quá 3.600 USD/người/hợp đồng 3 năm, không quá 1.200 USD/người/hợp đồng 1 năm và được thu từ người lao động không quá 5.900.000 đồng/khóa tiếng Nhật (tương ứng với thời lượng khoảng 520 tiết/khóa học). Đồng thời doanh nghiệp chỉ được thu các khoản phí theo quy định sau khi thực tập sinh đã được phía Nhật Bản cấp tư cách lưu trú và khi doanh nghiệp đã ký hợp đồng đưa thực tập sinh sang thực tập kỹ năng tại Nhật Bản; nghiêm cấm các hành vi thu tiền trước dưới mọi hình thức đối với thực tập sinh. Hợp đồng đưa thực tập sinh sang Nhật Bản phải theo mẫu do Tổ chức Hợp tác tu nghiệp Quốc tế Nhật Bản (Jitco) quy định, đảm bảo các nội dung về thời gian làm việc, mức trợ cấp đào tạo, điều kiện nhà ở, chi phí đi lại, bảo hiểm... và rà soát, báo cáo với Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tình hình thực hiện tuyển lao động đối với từng đơn hàng đã được thẩm định của Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi.

Sở Lao động – Thương binh và Xã hội cũng đề nghị Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội các huyện, thị xã và thành phố thường xuyên tiến hành các hoạt động kiểm tra, giám sát, tình hình tư vấn, tuyển lao động của các doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài được Sở giới thiệu tuyển chọn lao động tại địa phương trong việc thu phí, lệ phí tham gia các thị trường lao động ở nước ngoài, nhất là thu phí thực tập sinh. Bên cạnh đó, tăng cường các hoạt động thông tin tuyên truyền, đưa nội dung tuyên truyền đến tận thôn, buôn về các chính sách hỗ trợ mà người lao động sẽ được hưởng theo Nghị định số 61/2015/NĐ-CP, ngày 9-7-2015 của Chính phủ quy định về chính sách hỗ trợ tạo việc làm và Quỹ Quốc gia về việc làm đến tận người lao động, đặc biệt là lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, lao động là người dân tộc thiểu số để người lao động mạnh dạn đăng ký tham gia. Trong trường hợp phát hiện doanh nghiệp thu phí cao hơn quy định, các đơn vị phản ánh kịp thời về Sở Lao động - Thương binh và Xã hội để xử lý theo quy định.

Lan Anh – Bích Phương


Ý kiến bạn đọc