Multimedia Đọc Báo in

Kết quả triển khai thực hiện đăng ký nuôi con nuôi thực tế

08:59, 14/06/2016

Điều 50 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 quy định cho phép đăng ký nuôi con nuôi thực tế trong thời hạn 5 năm tính từ ngày 1-1-2011 đến ngày 31-12-2015 đối với những trường hợp người dân nhận nuôi con nuôi trước ngày 1-1-2011 nhưng chưa đăng ký mà quan hệ nuôi con nuôi đó phù hợp với pháp luật tại thời điểm phát sinh; đến thời điểm đăng ký nuôi con nuôi quan hệ cha, mẹ và con vẫn còn tồn tại; các bên cha, mẹ, con nuôi còn sống và giữa các bên có quan hệ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục nhau như cha, mẹ và con.

Để bảo đảm nội dung này được thực hiện hiệu quả, dứt điểm trong thời hạn quy định, UBND tỉnh đã ban hành Kế hoạch triển khai đăng ký nuôi con nuôi thực tế; trong đó, giao trách nhiệm cụ thể cho Sở Tư pháp, UBND các huyện, thị xã, thành phố và các sở, ban, ngành có liên quan tiến hành thực hiện theo từng giai đoạn cụ thể. Theo đó, các cơ quan liên quan đã tiến hành rà soát đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh đúng tiến độ, kịp thời hạn theo kế hoạch đã đề ra. UBND các cấp trên địa bàn tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với các đoàn thể, ban, ngành tại địa phương tuyên truyền cho nhân dân trên địa bàn hiểu rõ tầm quan trọng và ý nghĩa của việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế; đồng thời tiến hành rà soát, thống kê, đánh giá tình hình nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn.

Tính đến hết ngày 31-12-2015, trên địa bàn tỉnh có 127 trường hợp nuôi con nuôi thực tế; trong đó, số trường hợp nuôi con nuôi thực tế đáp ứng đủ điều kiện theo Điều 50 của Luật Nuôi con nuôi là 102 trường hợp. Trong những năm qua, đã có 36 trường hợp nuôi con nuôi thực tế đã đăng ký và còn 91 trường hợp chưa đăng ký, trong đó có 69 trường hợp do cha mẹ nuôi/con nuôi không muốn đăng ký vì muốn giữ bí mật; 2 trường hợp do một bên cha/mẹ nuôi hoặc con nuôi đã chết; 9 trường hợp do không đủ điều kiện về độ tuổi (cha/mẹ nuôi và con nuôi cách nhau dưới 20 tuổi); 9 trường hợp khó khăn về hồ sơ, giấy tờ; 2 trường hợp vì lý do khác. Việc nhận nuôi con nuôi thường xuất phát từ những nguyên nhân như: vợ chồng hiếm muộn nhận nuôi con nuôi hoặc tuy không hiếm muộn nhưng nuôi con nuôi là con của anh, chị, em ruột có hoàn cảnh khó khăn, không đủ điều kiện nuôi con hoặc bị chết…; nuôi con nuôi theo phong tục tập quán của một số dân tộc thiểu số (dân tộc Êđê có phong tục nhận con của chị gái hay em gái làm con nuôi); một số cặp vợ chồng đã có con nhưng chưa theo ý muốn phải có con trai hoặc con gái; nuôi con nuôi để làm phúc…

Nguyên nhân khiến việc đăng ký nuôi con nuôi thực tế trên địa bàn tỉnh còn ít là do các bên muốn giữ bí mật, không muốn công khai mối quan hệ giữa cha mẹ nuôi và con nuôi; một số trường hợp nuôi con nuôi thực tế nhưng chưa đăng ký do chưa hiểu biết về các quy định của pháp luật về nuôi con nuôi, chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của việc đăng ký nuôi con nuôi, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số; một số trường hợp con nuôi đã xây dựng gia đình, không còn chung sống với cha mẹ nuôi hoặc một bên cha, mẹ nuôi, con nuôi đã chết; không đủ điều kiện về độ tuổi, khoảng cách chênh lệch giữa cha mẹ nuôi và con nuôi chưa đến 20 tuổi. Ngoài ra, do khó khăn về hồ sơ, giấy tờ, thủ tục đăng ký nuôi con nuôi còn phức tạp…nên việc nuôi con nuôi đã diễn ra trên thực tế nhưng không đăng ký theo quy định của pháp luật về cho, nhận con nuôi mà chỉ có thỏa thuận của đôi bên.

Nguyễn Thị Bình


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.