Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường xử lý những điểm nóng về phá rừng

11:37, 07/06/2016

Từ đầu năm đến nay, tình hình các vi phạm pháp luật liên rừng đã giảm đáng kể, tuy nhiên, ở một số địa phương vẫn đang còn xuất hiện những điểm nóng về tình trạng phá rừng, lấn chiếm đất rừng trái pháp luật. Để từng bước lập lại trật tự về an ninh rừng, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, truy quét mạnh ở những khu vực này.

Theo Chi cục Kiểm lâm tỉnh, trong 5 tháng đầu năm 2016, đơn vị đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành kiểm tra, phát hiện và xử lý 652 vụ vi phạm lâm luật, tịch thu 1.162 m3 gỗ các loại, 277 công cụ, phương tiện, máy móc; số tiền thu sau xử lý 13,7 tỷ đồng. So với cùng kỳ năm 2015, thì số vụ vi phạm đã giảm 203 vụ (23,7%).Tuy nhiên, ở một số địa phương có diện tích rừng lớn tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán lâm sản trái phép vẫn “nóng” như: huyện Buôn Đôn (162 vụ), huyện Ea H’leo (67 vụ), Ea Súp (64 vụ)…  Ngoài ra, tình hình phá rừng trái phép để lấn chiếm đất vẫn diễn biến phức tạp, theo thống kê chưa đầy đủ của các địa phương, trong 5 tháng diện tích rừng bị phá 52,2 ha. Để kịp thời chấn chỉnh việc quản lý, bảo vệ rừng ở các khu vực vốn là điểm nóng về khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã tổ chức kiểm tra thực tế, họp bàn với các Hạt Kiểm lâm Buôn Đôn, Ea Súp, Ea H’leo, Krông Búk, Krông Năng và các đội Kiểm lâm Cơ động và Phòng cháy chữa cháy rừng (KLCĐ & PCCCR) số 1 và số 3 để triển khai tham mưu cho UBND các huyện thành lập các đoàn liên ngành, phối hợp với các cơ quan chức năng tổ chức truy quét các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng, khai thác, vận chuyển, buôn bán trái phép lâm sản. Qua đó, các huyện đã thành lập đoàn liên ngành, đồng loạt ra quân tiến hành kiểm tra, truy quét các khu vực “nóng” về tình trạng vi phạm lâm luật. Chỉ trong tháng 5-2016, qua kiểm tra truy quét các đơn vị đã lập biên bản tạm giữ hơn 94,7 m3 gỗ và 19 phương tiện các loại. Trong đó, tại địa bàn xã Cư Amung (huyện Ea H’leo), chốt liên ngành gồm Kiểm lâm huyện, UBND xã, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Ea Wy và Đội KLCĐ &PCCCR thu giữ được 22,7m3 ; tại địa bàn huyện Ea Súp, Hạt Kiểm lâm huyện phối hợp với Đội KLCĐ &PCCCR số 1 thu giữ 66,5 m3 gỗ; Hạt Kiểm lâm huyện Buôn Đôn đã thu giữ 5,5 m3 gỗ. Cùng với đó, các chủ rừng với trách nhiệm của mình cũng huy động tối đa lực lượng để tuần tra bảo vệ, truy quét lâm tặc trên diện tích rừng do mình quản lý.

        Lực lượng kiểm lâm ở VQG Chư Yang trong  một chuyến tuần tra bảo vệ rừng.
Lực lượng kiểm lâm ở VQG Chư Yang trong một chuyến tuần tra bảo vệ rừng.

Ông Y Sy H’Đơk, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh cho biết, công tác QLBVR thời gian qua tuy đã được cải thiện nhưng vẫn đang còn nhiều khó khăn, bất cập dẫn đến rừng bị mất, đất rừng bị lấn chiếm. Nguyên nhân do việc khai thác, buôn bán lâm sản trái phép mang lại lợi nhuận cao; hàng vạn hộ dân sống xung quanh rừng có điều kiện kinh tế khó khăn, thu nhập phụ thuộc nhiều vào rừng; nhiều Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp, Ban quản lý rừng và các chủ rừng khác thiếu lực lượng, phương tiện không đủ mạnh để trấn áp lâm tặc; một số chủ rừng thiếu kiểm tra, buông lỏng quản lý…  Cũng theo ông Y Sy, để lập lại trật tự trong công tác quản lý bảo vệ rừng thời gian tới, Chi cục Kiểm lâm tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc tiến hành xác định các điểm nóng về phá rừng, khai thác lâm sản, các tuyến đường vận chuyển lâm sản trái phép để tổ chức truy quét, ngăn chặn, xử lý; các đơn vị chủ rừng tập trung phân loại các đối tượng phá rừng, lấn chiếm đất rừng để lập phương án cụ thể xử lý, giải tỏa, trồng phục hồi lại rừng; đề nghị Công an tỉnh chỉ đạo lực lượng ở các địa phương lập chuyên án xử lý các đối tượng lâm tặc, đầu nậu, phần tử dung túng, tiếp tay cho phá rừng, lấn chiếm đất rừng, mua bán sang nhượng đất rừng trái pháp luật…

Vạn Tiếp


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.