Multimedia Đọc Báo in

Những trở ngại trong công tác trợ giúp pháp lý ở cơ sở

09:21, 30/07/2016

Những năm qua, hoạt động trợ giúp pháp lý (TGPL) trên địa bàn tỉnh đã góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người dân, nhất là đối với đồng bào dân tộc thiểu số, người nghèo. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện công tác này đã gặp không ít khó khăn, bất cập…

Đến thăm gia đình chị Bùi Thị Văn ở thôn Giang Mỹ, xã Tam Giang (huyện Krông Năng) chúng tôi được chị cho biết, năm 2008 UBND xã Tam Giang cưỡng chế thu hồi hơn 1 sào đất của gia đình chị do sai phạm trong quá trình sử dụng. Tuy nhiên khi đến san ủi đất, UBND xã đã ủi lấn sang phần đất khác không sai phạm của chị làm hư hại hoàn toàn 24 cây cà phê, 1 trụ tiêu và 2 cây ăn trái khác đều đang cho thu hoạch. Chị đã nhiều lần làm đơn kiến nghị đến UBND xã, UBND huyện nhưng không được giải quyết. Đến năm 2015, chị đến Trung tâm TGPL tỉnh nhờ giúp đỡ. Sau khi thụ lý vụ việc, các trợ giúp viên pháp lý đã căn cứ cơ sở pháp lý tiến hành phân tích, hướng dẫn chị về Luật Khiếu nại, đồng thời phối hợp với TAND huyện Krông Năng tiến hành hòa giải và yêu cầu UBND xã Tam Giang bồi thường cho gia đình chị trên 15 triệu đồng tiền thiệt hại cây trồng. Ngay sau khi được bồi thường chị đã rút đơn khiếu nại.

Hay như trường hợp của gia đình ông Sùng Sé Pó ở thôn Ea Uôn, xã Cư Pui (huyện Krông Bông), cuối năm 2015, gia đình ông bị mất 1 con trâu nên đã tổ chức đi tìm. Ngay sau đó, ông Pó đã phát hiện trâu nhà mình đang ở nhà bà H’Bơng Niê, buôn K’roah cùng xã nên đến xin chuộc lại nhưng không được. Sự việc kéo dài đến tháng 4-2016 vẫn chưa được giải quyết. Sau khi tiếp nhận vụ việc, các trợ giúp viên pháp lý tỉnh đã xuống địa bàn tiến hành hòa giải và thực hiện các biện pháp TGPL. Với sự giải thích thấu tình đạt lý kết hợp vận động tuyên truyền, bà H’Bơng đã hiểu ra và thống nhất trả lại trâu cho gia đình ông Pó, còn ông Pó cũng trả chi phí chăm sóc trâu cho bà H’Bơng là 5 triệu đồng…

Người dân đến dự một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại buôn Kroah, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.
Người dân đến dự một buổi trợ giúp pháp lý lưu động tại buôn K'roah, xã Cư Pui, huyện Krông Bông.

Với kinh nghiệm 5 năm tham gia công tác TGPL lưu động, anh Phạm Công Minh, trợ giúp viên pháp lý của Trung tâm TGPL tỉnh chia sẻ: các trường hợp kể trên chỉ là số ít trong những vụ việc tranh chấp, khiếu nại nhiều năm vẫn không được giải quyết dứt điểm, nguyên nhân một phần là do người dân thiếu hiểu biết về pháp luật. Qua các buổi TGPL lưu động cho thấy, sau khi được hỗ trợ, hướng dẫn, giáo dục, tuyên truyền luật, người dân đã từng bước nâng cao nhận thức về pháp luật, hạn chế các vụ khiếu nại, khiếu kiện không đáng có, góp phần giữ vững an ninh trật tự, phát triển kinh tế - xã hội tại địa phương.

Mặc dù đạt được những kết quả nhất định trong công tác TGPL, nhưng trên thực tế, công tác này còn nhiều hạn chế và chưa đáp ứng được yêu cầu đề ra. Qua tìm hiểu tại một số địa phương cho thấy, hằng năm các vụ, việc được TGPL chủ yếu chỉ dừng lại ở công tác tuyên truyền, hướng dẫn về kiến thức pháp luật; còn số vụ, việc được TGPL trực tiếp trong các hoạt động tố tụng của người dân khá ít. Bà Phạm Thị Minh Phương, Giám đốc Trung tâm TGPL cho biết, nguyên nhân của những hạn chế đó là do đội ngũ trợ giúp viên pháp lý của tỉnh còn khá mỏng về số lượng (toàn tỉnh hiện chỉ có 7 trợ giúp viên pháp lý có trình độ chuẩn, được UBND tỉnh bổ nhiệm), trong khi đó, đa phần tuổi đời còn trẻ, kinh nghiệm chưa sâu, khó đáp ứng hết nhu cầu TGPL trên địa bàn. Mặt khác, hệ thống văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước về công tác TGPL thường xuyên thay đổi, đòi hỏi các trợ giúp viên phải tự tìm hiểu, tra cứu để nắm chắc các quy định của pháp luật trên các lĩnh vực. Trong khi đó, các chi nhánh chưa có trụ sở đang phải thuê ngoài nên đã ảnh hưởng đến công tác TGPL; nhận thức và sự quan tâm về công tác TGPL của một số cấp ủy Đảng, chính quyền, cơ quan, tổ chức, cán bộ và người dân ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh chưa thống nhất dẫn đến hoạt động phối hợp giữa các đơn vị chưa được thường xuyên; vụ việc tham gia tố tụng ngày càng tăng trong khi kinh phí đặc thù chi trả bồi dưỡng cho người thực hiện trợ giúp pháp lý được cấp chưa tương xứng… Theo bà Phương, để nâng cao hiệu quả hoạt động TGPL, đưa công tác này đến gần hơn với người dân, đơn vị sẽ tiếp tục đề xuất việc cấp kinh phí đặc thù tăng tương xứng với vụ việc tham gia tố tụng tăng hằng năm để bảo đảm kinh phí chi trả cho người thực hiện TGPL theo quy định; không ngừng củng cố trình độ, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện TGPL theo hướng chuyên sâu để làm cơ sở cho việc đổi mới công tác TGPL. Đồng thời, Trung tâm sẽ tiếp tục hướng hoạt động về cơ sở, góp phần tích cực vào việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người nghèo, các đối tượng chính sách, trẻ em và nhân dân trên địa bàn tỉnh.    

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, Trung tâm TGPL tỉnh đã chủ trì phối hợp cùng các địa phương tổ chức TGPL miễn phí cho 938 lượt người, trong đó có 480 lượt người được TGPL tham gia tố tụng và 458 lượt người được trợ giúp lưu động. Tại các cuộc TGPL lưu động đã tư vấn trực tiếp 130 vụ việc; tư vấn bằng văn bản, tham gia tố tụng và đại diện ngoài tố tụng được 14 vụ, việc. Những người được TGPL chủ yếu thuộc diện hộ nghèo người có công, người dân tộc thiểu số, đối tượng là trẻ em, người già, người tàn tật…

Lê Thành
 


Ý kiến bạn đọc