Multimedia Đọc Báo in

Quản lý chất lượng nước uống đóng chai: Cần có sự vào cuộc của cộng đồng

12:43, 03/08/2016

Theo thống kê sơ bộ của Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) tỉnh, trên địa bàn tỉnh hiện có 104 cơ sở sản xuất nước uống đóng chai đang được quản lý, cấp phép hoạt động.

Hằng năm, Chi cục tiến hành thanh kiểm tra theo định kỳ được khoảng 60% số cơ sở trên. Vừa qua Chi cục ATVSTP tỉnh đã tổ chức ra quân thanh, kiểm tra tại các cơ sở nước uống đóng chai, nước đá trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột và 5 huyện: Ea H’leo, Ea Kar, Krông Pắc, Krông Bông và M’Đrắk, kiểm tra đối với 32 cơ sở. Trong đó phát hiện 19 cơ sở vi phạm (các lỗi chủ yếu là chưa bảo đảm điều kiện sản xuất và vi phạm về chất lượng mẫu kiểm nghiệm), đã tiến hành xử lý bằng phạt tiền 16 cơ sở với tổng số tiền trên 125 triệu đồng.

Thực tế, việc kiểm soát an toàn sản phẩm của thị trường nước uống đóng chai còn chưa thực sự chặt chẽ. Trong khi đó, nhiều cơ sở sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai chưa chấp hành tốt quy định an toàn thực phẩm, không đủ điều kiện an toàn. Một số cơ sở đã được cấp chứng nhận an toàn thì lại không duy trì tốt công tác vệ sinh trong quy trình sản xuất, dẫn đến tình trạng sản phẩm không đạt chất lượng. Cụ thể có đến 9/22 mẫu nước thành phẩm được lấy đi kiểm nghiệm trong đợt kiểm tra đã không đạt tiêu chuẩn an toàn.

Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra chất lượng tại một cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai  trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn kiểm tra liên ngành ATVSTP kiểm tra chất lượng tại một cơ sở kinh doanh nước uống đóng chai trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột.

Chị Nguyễn Thị Thanh, chủ một cửa hàng tạp hóa nhỏ trên địa bàn phường Tân Tiến (TP. Buôn Ma Thuột) chia sẻ: Cửa hàng chị có rất nhiều hãng nước uống đóng chai, đóng bình đến chào hàng với mức giá thành khá hấp dẫn. Tuy nhiên, qua một thời gian mua bán, chị nhận thấy giá cả thường tỷ lệ thuận với chất lượng, vì vậy  hiện nay chị chỉ lấy một số loại nước người dân tin dùng để bán.

Bà Lê Thị Châu, Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Theo quy định kiểm tra định kỳ sáu tháng 1 lần và phải có thông báo trước cho chủ cơ sở. Muốn kiểm tra đột xuất phải có chỉ thị của cơ quan quản lý cấp trên là Sở Y tế hoặc UBND tỉnh, hoặc là khi có sự tố giác, phản ánh của nhân dân và báo chí. Vì vậy vai trò giám sát của nhân dân trong việc phát hiện và tố giác những sai phạm tại các cơ sở sản xuất kinh doanh nước uống đóng chai nói riêng và các doanh nghiệp sản xuất, chế biến thực phẩm nói chung rất quan trọng, cần được nâng cao. “Sắp tới khi thực hiện Chỉ thị 13/CT-TTg về tăng cường vai trò lãnh đạo trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra đột xuất thường xuyên, tránh tình trạng các cơ sở đối phó trong các đợt thanh, kiểm tra định kỳ, đồng thời xử lý nghiêm đối với những vi phạm”, bà Châu nói.

Để bảo đảm việc tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh nước uống đóng chai trong địa bàn tỉnh, thiết nghĩ, ngoài việc giám sát chặt chẽ các cơ sở sản xuất và kinh doanh đã bị xử lý, buộc các cơ sở phải nghiêm túc thực hiện những quy định an toàn thực phẩm, có hình thức xử phạt đủ răn đe; công khai tên, địa chỉ trên các phương tiện thông tin đại chúng để người tiêu dùng được biết để tránh mua những sản phẩm không đảm bảo chất lượng… thì cần nâng cao vai trò của y tế cơ sở và cơ quan quản lý trực tiếp như chính quyền xã, phường nơi các cơ sở sản xuất kinh doanh đóng trên địa bàn, cùng với đó là việc nâng cao vai trò giám sát của người dân, khuyến khích sự phát hiện những vi phạm, tố giác kịp thời để hạn chế tối đa những sản phẩm nước uống đóng chai kém chất lượng lưu hành trên thị trường.

Trần Lan


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.