Thực hiện Nghị định 46/2016/NĐ-CP của Chính phủ: Mạnh tay xử lý "ma men" lái xe
Từ ngày 1-8-2016, Nghị định 46/2016/NĐ-CP (gọi tắt là Nghị định 46) của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ, đường sắt, thay thế Nghị định 171/2013/NĐ-CP và Nghị định 107/2014/NĐ-CP chính thức có hiệu lực thi hành, trong đó có những lỗi vi phạm bị phạt rất nặng nhằm tăng tính răn đe.
Cụ thể, Nghị định 46 đã điều chỉnh mức xử phạt đối với 115 hành vi và nhóm hành vi vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ như: nhóm hành vi vi phạm về nồng độ cồn, vi phạm quy định về tốc độ, chở hàng quá tải trọng cho phép…
Trung tá Nguyễn Quang Vịnh, Phó trưởng Phòng CSGT, Công an tỉnh cho biết: “Việc xử lý vi phạm nồng độ cồn luôn nằm trong kế hoạch tuần tra kiểm soát giao thông của lực lượng CSGT tỉnh bởi lẽ người uống rượu, bia là hiểm họa không chỉ trực tiếp gây TNGT mà còn ảnh hưởng đến người khác. Thời gian tới, Phòng CSGT tỉnh tiếp tục tăng cường hơn nữa công tác tuần tra kiểm soát nhằm phát hiện các hành vi người điều khiển phương tiện giao thông vi phạm về nồng độ cồn, nhất là vào buổi tối, ngày nghỉ cuối tuần, nghỉ lễ”. |
Cùng với việc triển khai Nghị định 46 và Kế hoạch số 234/KH–CAT-PV11-PC67, ngày 10-6-2016 của Giám đốc Công an tỉnh về Chuyên đề “Tuần tra kiểm soát và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người điều khiển phương tiện”, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã thực hiện khá quyết liệt và nghiêm túc việc kiểm tra nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. Theo đó, vào mỗi buổi tối từ 19 đến 22 giờ, lực lượng CSGT phối hợp với Cảnh sát cơ động tỉnh thường xuyên tuần tra kiểm soát trên tất cả các tuyến đường, địa bàn “nóng” về tình trạng thanh-thiếu niên uống rượu, bia gây mất an toàn giao thông. Ngoài công tác tuần tra kiểm soát, xử lý vi phạm, Phòng CSGT tỉnh còn phối hợp với Đội CSGT Công an 15 huyện, thị xã, thành phố tổ chức các buổi tọa đàm, phát tờ rơi tuyên truyền Luật Giao thông đường bộ, trong đó nhấn mạnh về hiểm họa rượu, bia nhằm giúp nâng cao ý thức người dân. Tính đến cuối tháng 7-2016, lực lượng CSGT đã tổ chức 18 buổi tọa đàm tại 99 thôn, buôn, thu hút 7.710 lượt người tham gia. Qua 2 tháng triển khai, lực lượng CSGT toàn tỉnh đã phát hiện và xử lý 6.258 trường hợp (103 ô tô, 6.155 mô tô) vi phạm về nồng độ cồn. Nhờ đó, tình hình trật tự an toàn giao thông trên địa bàn tỉnh đã có chuyển biến tích cực, TNGT đã giảm mạnh cả 3 tiêu chí…
Lực lượng CSGT tỉnh đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông buổi tối trên đường Hà Huy Tập (TP. Buôn Ma Thuột). |
Mặc dù TNGT giảm mạnh so với cùng kỳ nhưng theo nhận định của các cơ quan chức năng, tình trạng người điều khiển phương tiện vi phạm một số hành vi trực tiếp dẫn đến tai nạn giao thông, đặc biệt là vi phạm nồng độ cồn vẫn diễn ra khá phổ biến. Mới đây, trong một lần theo chân cán bộ, chiến sĩ Phòng CSGT, Công an tỉnh làm nhiệm vụ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi được chứng kiến nhiều trường hợp người điều khiển phương tiện giao thông mặc dù biết mình đã sử dụng rượu, bia khi tham gia giao thông nhưng vẫn cố tình “cãi” với CSGT nhằm “gỡ tội”. Đơn cử, trên đường Hà Huy Tập, Tổ công tác do Thượng úy Trần Huy Bình làm Tổ trưởng phát hiện anh Lê Phương Đông (SN 1989) điều khiển xe máy BKS 47N3-7668 và anh Huỳnh Đức Trọng (SN 1993) điều khiển xe máy BKS 47C1-173.40 có dấu hiệu vi phạm nên đã tiến hành kiểm tra, 2 người này đều vượt ngưỡng cho phép vậy mà họ vẫn cố lý sự, không chịu ký biên bản vi phạm. Tiếp đó, trên đường Phan Chu Trinh, Tổ công tác phát hiện một người đàn ông điều khiển xe máy có dấu hiệu vi phạm nên đã yêu cầu dừng xe kiểm tra, đo nồng độ cồn nhưng ông ta không chấp hành, buộc tổ phải đưa phương tiện về lập biên bản... Sau gần 1 giờ đồng hồ theo chân tổ công tác làm nhiệm vụ trên một số tuyến giao thông trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột, chúng tôi ghi nhận có hơn 30 trường hợp người điều khiển phương tiện bị dừng kiểm tra thì có đến hơn 10 trường hợp vi phạm nồng độ cồn.
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc