Multimedia Đọc Báo in

Khoảng trống trong công tác phòng cháy chữa cháy ở các trường học

08:38, 24/04/2017

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có 123 trường mầm non, tiểu học và THCS. Để bảo đảm môi trường an toàn cho học sinh ở các bậc học, theo quy định tất cả các trường phải tuân thủ nghiêm các nguyên tắc bắt buộc về phòng cháy chữa cháy (PCCC).

Tuy nhiên do những nguyên nhân khác nhau, hiện nay công tác này chưa được các trường chú trọng, quan tâm đúng mức…

Để đánh giá tổng quát thực trạng công tác PCCC ở các trường học, mới đây nhất, Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 (Cảnh sát PCCC tỉnh) đã tiến hành kiểm tra ở các trường thuộc 3 cấp học trên. Tại Trường THCS T.L, đoàn phát hiện trường không đảm bảo các điều kiện an toàn về PCCC như: phương tiện, bình chữa cháy các loại tuy đã trang bị, song do không thường xuyên duy tu, bảo dưỡng nên đã hư hỏng, không sử dụng được. Ngoài ra hệ thống máy bơm chữa cháy không hoạt động và trường chưa mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc theo quy định.

Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy  và chữa cháy số 1 kiểm tra công tác PCCC  tại một cơ sở  giáo dục.
Cán bộ Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1 kiểm tra công tác PCCC tại một cơ sở giáo dục.

Tương tự, tại Trường THCS L.L.Q, H.V… hầu hết các phương tiện chữa cháy cục bộ đã bị hỏng hóc, hết niên hạn sử dụng; hệ thống chống sét không được kiểm tra, đo điện trở tiếp đất hằng năm theo quy định. Qua kiểm tra, nhiều trường chưa thành lập lực lượng PCCC cơ sở, hoặc có song chưa qua huấn luyện nghiệp vụ, không biết vận hành, thao tác sử dụng hệ thống máy móc, phương tiện chữa cháy.

Thượng úy Đỗ Thị Yến, Đội phó Đội Hướng dẫn, kiểm tra an toàn PCCC (Phòng Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy số 1) cho biết một thực trạng đáng lo ngại: có trên 90% cơ sở giáo dục ở địa bàn TP. Buôn Ma Thuột có thiếu sót về công tác PCCC, như: không có hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, chưa xây dựng phương án PCCC và  không có đội PCCC cơ sở, nhất là ở bậc mầm non. Nguyên nhân là do đa số giáo viên các trường mầm non là giáo viên nữ, phần lớn thời gian phục vụ công tác chuyên môn, chăm lo các cháu  nên việc tổ chức, duy trì hoạt động của các đội PCCC cơ sở còn nhiều khó khăn.

Liên quan đến hệ thống phương tiện, trang thiết bị phục vụ công tác PCCC trang bị chưa đầy đủ, hoặc có nhưng không phát huy tác dụng, hầu hết lãnh đạo các trường phân trần do phương tiện trang bị đã lâu, hoặc trường không có kinh phí để mua sắm mới chứ chưa nói đến việc có tiền mua bảo hiểm cháy nổ bắt buộc.

Một nguyên nhân khách quan khác khiến nhiều cơ sở giáo dục chưa lập hồ sơ quản lý, theo dõi hoạt động PCCC, theo lý giải của Thượng úy Đỗ Thị Yến là do các trường được thành lập trước năm 2014. Thời điểm này các cơ sở giáo dục thuộc Công an TP. Buôn Ma Thuột quản lý, song đơn vị này lại chưa có cán bộ chuyên môn để hướng dẫn về mặt thủ tục hồ sơ.

Bên cạnh những yếu tố khách quan gây ảnh hưởng đến hiệu quả công tác PCCC ở các trường học, thì phải thẳng thắn nhìn nhận về mặt chủ quan, nhiều cơ sở vẫn còn chưa tự giác chấp hành các quy định về PCCC. Đơn cử như việc thành lập đội PCCC cơ sở và xây dựng phương án PCCC hoàn toàn nằm trong tầm tay của nhà trường khi họ có thể tự khảo sát, xây dựng, đưa các phương án, tình huống cháy nổ và cứu nạn cứu hộ, tuy nhiên nhiều trường lại không thực hiện, hoặc thực hiện chiếu lệ, cho có.

Thiết nghĩ để bảo đảm an toàn PCCC, chủ động phòng ngừa và giảm thiểu thiệt hại do cháy nổ gây ra ở các trường học, thời gian tới bên cạnh việc lực lượng chức năng tiếp tục tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh, khắc phục những tồn tại, thiếu sót, kiên quyết xử lý những vi phạm thì giải pháp căn cơ, có tính quyết định là cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến về nhận thức của đội ngũ lãnh đạo, quản lý các trường học đối với công tác này. Bên cạnh đó các cấp, các ngành cần quan tâm hỗ trợ, bố trí kinh phí để các trường trang bị phương tiện PCCC đầy đủ theo đúng quy định cũng như có điều kiện thành lập, duy trì hiệu quả hoạt động của lực lượng PCCC cơ sở, đáp ứng yêu cầu chữa cháy ban đầu.

Đăng Triều


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.