Multimedia Đọc Báo in

Những "cánh chim lạc lối" quay trở về quê hương

15:56, 29/10/2017

Nuôi ảo vọng về một cuộc sống sung sướng, không phải lao động vất vả ở “miền đất hứa”, một số người dân tộc thiểu số (DTTS) đã nghe lời dụ dỗ của kẻ xấu vượt biên trái phép sang Campuchia, Thái Lan. Khi vỡ mộng làm giàu nơi xứ người, họ trở về với nỗi đau và sự hối hận.

Đã gần 2 năm kể từ ngày được trở về quê hương, Y Hiên Mlô ở buôn Dhia (xã Cư Né, huyện Krông Búk) vẫn chưa hết bàng hoàng về những tháng ngày tủi nhục nơi xứ người.

Y Hiên nhớ lại: Khoảng cuối năm 2015, anh được một người đàn ông quen biết trên mạng xã hội kể về cuộc sống sung sướng tại Campuchia: không lao động cũng có cuộc sống sung túc, ốm đau được chữa trị không mất tiền.

Anh Y Hiên Mlô ở buôn Dhia (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đang giúp bố mẹ chăm sóc vườn tiêu.
Anh Y Hiên Mlô ở buôn Dhia (xã Cư Né, huyện Krông Búk) đang giúp bố mẹ chăm sóc vườn tiêu.

Mặc dù không biết “miền đất hứa” này như thế nào nhưng Y Hiên vẫn trốn bố mẹ để theo người lạ vượt biên. Sang đến Campuchia, Y Hiên bị bán cho một số đối tượng lạ. Họ nhốt anh vào khu nhà trọ ẩm thấp, chật chội cùng với khoảng 40 người. Ban ngày số người này bị đưa đi lao động cực nhọc ở các công trình xây dựng mà không được nhận lương. Tháng 7-2016, trong một lần đi làm, Y Hiên đã trốn vào rừng, được người dân bản địa chỉ đường lần về phía biên giới trở về nhà.

“Mình rất ân hận vì đã trót nghe theo kẻ xấu xúi giục bỏ gia đình, buôn làng vượt biên để rồi chịu cảnh cực khổ ở nơi đất khách. May mắn khi trở về quê hương, nhận được sự quan tâm hỗ trợ của chính quyền địa phương, sự khoan dung tha thứ, đùm bọc của buôn làng. Mình cảm thấy không hạnh phúc nào bằng, dần vượt qua mặc cảm, chăm lo làm ăn phát triển kinh tế” - Y Hiên tâm sự.

Năm 2015, Y Dương Mlô ở buôn Trấp (xã Ea Drông, thị xã Buôn Hồ) cũng nghe lời dụ dỗ, xúi giục của kẻ xấu, bán hết tài sản đưa gia đình vượt biên sang Campuchia. Y Dương còn tuyên truyền, vận động một số hộ dân khác trong buôn đóng góp tiền để tổ chức vượt biên.

Sang đến nơi, sự thật không như mong đợi. Không có công việc ổn định, gia đình Y Dương mỗi người xin làm thuê một nơi, bị chủ ép làm việc quần quật từ 4 giờ sáng đến 11 giờ đêm mà lương không đủ ăn. Sau hơn 1 năm sống chui nhủi trong các khu nhà tạm bợ, đến tháng 7-2016, trong đợt truy quét những người nhập cư trái phép, Y Dương cùng gia đình đã được các cơ quan chức năng Vương quốc Campuchia trao trả về nước. Về quê hương, lúc bấy giờ đã không còn nơi ở và đất sản xuất, chính quyền địa phương phải quyên góp hỗ trợ gạo, vận động người thân trong gia đình chia sẻ đất đai để Y Dương sản xuất ổn định đời sống.

Anh Y Bhy Niê ở buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk) nay đã trở về quê hương đoàn tụ bên vợ con.
Anh Y Bhy Niê ở buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk) nay đã trở về quê hương đoàn tụ bên vợ con.


Một trường hợp khác, anh Anh Y Bhy Niê ở buôn Drao (xã Cư Né, huyện Krông Búk) cũng là người vượt biên nay đã trở về đoàn tụ bên người thân. Anh Y Bhy chia sẻ: “Sau khi vỡ mộng làm giàu nơi xứ người, đầu năm 2016 tôi trở về quê hương cùng với vợ con tiếp tục chăm sóc 4 ha cà phê mà hơn 1 năm trời bỏ bê. Nếu ngày đó mình không ảo mộng, yên tâm ở nhà làm ăn thì giờ kinh tế còn khá hơn nhiều”.

Ông Y Phim Mlô, Phó Bí thư Đảng ủy xã Cư Né cho biết, những năm gần đây, trên địa bàn xã có 35 trường hợp người DTTS vượt biên trái phép sang Campuchia và Thái Lan, song mới có 10 người trở về. Sau khi hồi hương, các trường hợp này đều được chính quyền địa phương quan tâm tạo điều kiện làm hộ khẩu, giấy khai sinh cho con cái đi học, làm thủ tục để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vay vốn phát triển kinh tế. Nhờ chăm chỉ làm ăn, nhiều gia đình đã ổn định cuộc sống.

Theo ông Phan Văn Bảy, Phó Cục trưởng Cục An ninh Tây Nguyên, người DTTS trên địa bàn Tây Nguyên nói chung và Đắk Lắk nói riêng vượt biên trái phép sang các nước lân cận chủ yếu vì mục đích kinh tế. Phần lớn họ là những nạn nhân bị kẻ xấu dụ dỗ, xúi giục vượt biên với hy vọng có cuộc sống giàu sang, sung sướng mà không phải lao động vất vả. Tuy nhiên, sau những tháng ngày sống khổ cực, đói khát, tuyệt vọng nơi “miền đất hứa”, họ biết mình đã bị lừa và mong được hồi hương. Số người may mắn trở về nước hằng năm rất ít. Từ tháng 12-2015 đến nay, đại diện cơ quan chức năng của Việt Nam phối hợp với UNHCR (Cao ủy Liên Hiệp Quốc về người tị nạn) đã tổ chức tiếp nhận, trao trả an toàn 7 đợt với 106 người DTTS Tây Nguyên vượt biên trái phép. Hiện tại, các cơ quan chức năng phía Việt Nam vẫn đang tích cực phối hợp để đưa những người vượt biên trái phép hồi hương, ổn định cuộc sống...

Lê Thành


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.