Quy định về đào tạo, sát hạch lái xe ôtô: Vẫn còn nhiều bất cập đối với người khuyết tật
Các quy định về người khuyết tật học, thi các hạng Giấy phép lái xe (GPLX) đã có từ lâu, song do các văn bản không rõ ràng nên mỗi cơ quan có 1 cách hiểu khác nhau dẫn đến một số trường hợp không được học, thi hoặc học rồi nhưng không đủ điều kiện để thi lấy bằng lái.
Mới đây, ông Hồ Văn Hòa, trú tại thôn 2, xã Ea Kiết (huyện Cư M’gar) có đơn kiến nghị gửi Bộ và Sở Giao thông Vận tải (GTVT) vì bị “từ chối” không được sát hạch, thi GPLX hạng B1 (số tự động). Được biết, ngày 10-3-2017, ông Hòa đến khám sức khỏe để học lái xe tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.
Trong phiếu khám sức khỏe số 000457/GKSK-BVĐL ở mục III.1 ghi rõ: “Tăng huyết áp 150/80 mmHg; cơ xương khớp giảm chức năng vận động chân phải” và ở mục III.2 về kết luận sức khỏe ghi: “Đủ điều kiện sức khỏe lái xe hạng B1”. Trên cơ sở kết luận khám sức khỏe này, ông Hòa đã làm hồ sơ đăng ký học lái xe hạng B1 tại Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, thời gian học 3 tháng, từ tháng 5 đến tháng 8-2017. Kết thúc khóa học ông Hòa được Trường này cấp Chứng chỉ tốt nghiệp khóa đào tạo GPLX hạng B1.
Tuy nhiên, đến ngày 19-9-2017 khi vào sát hạch, Hội đồng sát hạch đã tạm hoãn thi do ông Hòa bị teo cơ chân phải dẫn đến “giảm chức năng vận động bàn chân phải” và Trung tâm sát hạch Vinasme Tây Nguyên không có loại xe sát hạch số tự động phù hợp với người bị tật chân phải như trường hợp ông Hòa.
Các phương tiện tập lái tại Trường Trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên (TP. Buôn Ma Thuột). |
Ông Trịnh Hữu Kiệm, Trưởng Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái (Sở GTVT) cho biết, từ trước tới nay, Sở chưa cấp GPLX cho trường hợp nào bị giảm chức năng 1 chân (phải) như trường hợp ông Hòa. Trước đó, trường hợp ông Lê Xuân Quang (trú tại xã Cư Né, huyện Krông Búk) cũng được Bệnh viện Đa khoa thị xã Buôn Hồ xác nhận trong giấy khám sức khỏe của người lái xe là “sức khỏe loại III, đủ điều kiện lái ôtô hạng B1”, sau đó ông đăng ký học GPLX ôtô hạng B1 tại Trường trung cấp nghề Vinasme Tây Nguyên, song đơn vị này từ chối vì “đã tham vấn ý kiến của Sở GTVT”.
Theo quy định tại mục VII (cơ xương khớp), phụ lục 1 của Thông tư liên tịch số 24/2015/TTLT-BYT-BGTVT ngày 21-8-2015 của Bộ Y tế – GTVT về điều kiện sức khỏe của người học lái xe ôtô hạng B1 ghi “Người bị cụt hoặc mất chức năng 1 bàn tay hoặc 1 bàn chân và một trong các chân hoặc tay còn lại không toàn vẹn (cụt hoặc giảm chức năng)” thì không đủ điều kiện học, thi lái xe hạng B1.
Thực tế, đến nay vẫn tồn tại 2 cách hiểu khác nhau liên quan đến Thông tư này dẫn đến các cơ sở y tế có kết luận đủ điều kiện học lái xe hạng B1 như trường hợp của ông Hòa và ông Quang vừa nêu trên, trong khi đơn vị tổ chức sát hạch và cấp bằng là Sở GTVT lại “từ chối”. Theo lý giải của ông Kiệm, đã mất hoặc giảm chức năng 1 chân, đặc biệt là chân phải thì việc điều khiển ôtô số tự động khi tham gia giao thông trên đường nếu gặp sự cố bất ngờ rất khó xử lý kịp dẫn đến dễ gây tai nạn giao thông. Phải chăng đây là lý giải mang tính chủ quan, bởi qua tìm hiểu tại một số cơ sở đào tạo, thực tế một số người bị giảm chức năng chân phải, do thường xuyên sử dụng chân trái nên bàn chân này trở thành chân chủ lực để họ thực hiện mọi hoạt động trong đi lại, điều khiển phương tiện?
Thực tế, trước đó với trường hợp của ông Quang, Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) cũng đã có Công văn số 1124/KCB-PHCN&GĐ, ngày 27-9-2016 khẳng định: “Đối với trường hợp cụt 1 cẳng chân hoặc 1 cẳng tay và các chân hoặc tay còn lại toàn vẹn thì đủ điều kiện sức khỏe học và lái xe hạng A1 và B1”… Vậy việc “từ chối” cho người khuyết tật học và thực hành lái xe hạng B1 đối với trường hợp ông Quang và ông Hòa của Sở GTVT trong thời gian qua có đúng với quy định tại Thông tư liên tịch nêu trên, đến nay vẫn chưa có câu trả lời thỏa đáng?!
Còn tại Thông tư 12/2017/TT-BGTVT ngày 15-4-2017 của Bộ GTVT quy định về đào tạo, sát hạch, cấp GPLX đường bộ lại bộc lộ nhiều bất cập. Cụ thể, tại điểm b khoản 3 Điều 44 Thông tư này quy định “Người dự sát hạch sử dụng ôtô của người khuyết tật để làm xe sát hạch; ôtô của người khuyết tật phải có kết cấu phù hợp với việc điều khiển của người khuyết tật, bảo đảm các điều kiện theo quy định tại các điểm đ, e, i và k khoản 2 Điều 6 Nghị định số 65/2016/NĐ-CP quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ đào tạo lái xe ôtô và dịch vụ sát hạch lái xe”. Việc người học, thi tự cải tạo 1 xe ôtô phù hợp với mình là không hề dễ dàng, bởi chi phí rất cao, lại qua nhiều cơ quan quản lý. Trong khi đó, hiện tại trên địa bàn tỉnh cũng chưa có trung tâm đào tạo, sát hạch lái xe nào trang bị xe tập lái, sát hạch dành riêng cho người khuyết tật, do vậy điều kiện này rất khó thực thi, thực tế đã gây không ít khó khăn, bất lợi cho người khuyết tật. Nên chăng, các cơ sở đào tạo và cơ quan quản lý cần có định hướng trong việc giới thiệu địa điểm dạy, sát hạch đủ điều kiện để người khuyết tật có cơ hội lấy GPLX phù hợp.
Liên quan đến vấn đề này, mới đây Sở GTVT đã có văn bản số 238/BC-SGTVT, ngày 18-10-2017 báo cáo về vướng mắc khi thực hiện đào tạo, sát hạch cấp GPLX cho người khuyết tật đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh có ý kiến với Bộ Y tế xem xét, sửa đổi các nội dung liên quan đến Thông tư liên tịch số 24 tại mục VII (cơ xương khớp), phụ lục 1 và Công văn số 1124 của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) để Sở có căn cứ triển khai thực hiện.
Theo báo cáo của Sở GTVT, trong thời gian qua, Sở có tiếp nhận một số hồ sơ thi mới để cấp GPLX của người khuyết tật. Cụ thể, gồm một số trường hợp: bị cụt bàn tay trái đề nghị được học, thi GPLX hạng A1, B1 số tự động; cụt bàn tay phải đề nghị được học, thi GPLX hạng B1 số tự động…. Tuy nhiên, Sở chưa cho phép đào tạo, sát hạch lái xe với các trường hợp này. |
Hoàng Tuyết
Ý kiến bạn đọc