Nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh
Theo thống kê của Sở Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 30-11-2017, toàn tỉnh có 6.634 doanh nghiệp, chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đa số các doanh nghiệp hoạt động chưa bài bản, chưa chủ động tìm hiểu pháp luật, ít quan tâm đến công tác hỗ trợ pháp lý cho mình.
Phần lớn các doanh nghiệp chưa bố trí cán bộ phụ trách công tác pháp chế để giúp doanh nghiệp thực hiện các hoạt động sản xuất, kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật. Nhận thức pháp luật của một số chủ doanh nghiệp, nhất là các doanh nghiệp ở vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số nhìn chung còn hạn chế.
Trong những năm qua, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đã được triển khai thực hiện đồng bộ trên địa bàn tỉnh theo các nội dung quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 28-5-2008 của Chính phủ về công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (gọi tắt là Nghị định số 66/2008/NĐ-CP), các dự án thuộc Chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2010-2014, thực hiện trong giai đoạn 2015-2020 (theo Quyết định số 2139/QĐ-TTg ngày 28-11-2014 của Thủ tướng Chính phủ) và Kế hoạch tổng thể triển khai các chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành dành cho doanh nghiệp giai đoạn 2015-2020. Tuy nhiên, chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu, mục đích của công tác này. Nguyên nhân là do biên chế thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp tại các sở, ngành chưa được đáp ứng đầy đủ, chủ yếu là do cán bộ pháp chế kiêm nhiệm; năng lực, trình độ của cán bộ, công chức, viên chức tham gia công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp còn nhiều hạn chế về kiến thức pháp lý, kinh nghiệm tổ chức công việc, chưa được thường xuyên bồi dưỡng, đào tạo về kiến thức và kỹ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp; các sở, ngành và các doanh nghiệp chưa thực sự chủ động trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.
Đại diện doanh nghiệp trình bày ý kiến trong một Hội nghị Gặp mặt do tỉnh tổ chức.Ảnh: L. Hương |
Để khắc phục tình trạng nêu trên và nâng cao chất lượng công tác hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong năm 2017 nói riêng và giai đoạn 2017-2020 nói chung, UBND tỉnh đã đề ra các giải pháp cụ thể, chỉ đạo, hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp thông qua các kế hoạch, chương trình hành động triển khai thực hiện, cụ thể như: Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp giai đoạn 2017-2020 trên địa bàn tỉnh; Kế hoạch số 9239/KH-UBND ngày 16-11-2016 về hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tỉnh Đắk Lắk đến năm 2025; Kế hoạch số 1571/KH-UBND ngày 7-3-2017 về công tác pháp chế trên địa bàn tỉnh năm 2017; Kế hoạch số 5362/KH-UBND ngày 11-7-2017 về nâng cao năng lực cho đội ngũ công chức, viên chức về pháp luật quốc tế và giải quyết tranh chấp đầu tư quốc tế giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh...
Song song với đó, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh thuận lợi tiếp cận, sử dụng miễn phí các hình thức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định tại Nghị định số 66/2008/NĐ-CP, UBND tỉnh đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh thường xuyên cập nhật các văn bản, chính sách pháp luật mới ban hành nói chung và văn bản pháp luật liên quan đến hoạt động của các doanh nghiệp nói riêng để đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh; chỉ đạo Sở Tư pháp chủ trì thực hiện việc cập nhật văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND tỉnh vào cơ sở dữ liệu pháp luật quốc gia theo Nghị định số 52/2015/NĐ-CP ngày 28-5-2015 của Chính phủ về Cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật. Các sở, ban, ngành của tỉnh và một số UBND huyện, thị xã, thành phố đã duy trì các trang thông tin điện tử công khai thủ tục hành chính, cung cấp thông tin pháp lý hỗ trợ cho doanh nghiệp và giải đáp pháp luật thuộc nhiều lĩnh vực như: Đất đai, thuế, tín dụng, kinh doanh dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch, đăng ký kinh doanh, đầu tư, xúc tiến thương mại, khuyến công, khuyến nông… Các cơ quan, đơn vị của tỉnh cũng đã biên soạn và phát hành nhiều tài liệu, giới thiệu chính sách pháp luật liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.
UBND tỉnh, các sở, ngành của tỉnh cũng tăng cường tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, như: tập huấn về kỹ năng khai thác thông tin, tìm kiếm thị trường và bán hàng chuyên nghiệp cho doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực; khảo sát tư vấn về thiết kế phát triển sản phẩm cho một số doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh; tập huấn kỹ thuật về bảo vệ tài nguyên nước dưới đất; tập huấn quản trị doanh nghiệp; giới thiệu các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc doanh nghiệp xin phép cho người nước ngoài đến làm việc và xin phép tổ chức hội thảo, hội nghị quốc tế tại tỉnh...
UBND tỉnh cũng đã tổ chức tọa đàm “Đắk Lắk với xu thế khởi nghiệp” với các nội dung về kinh nghiệm khởi nghiệp của thế giới và Việt Nam, định hướng phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh và các cơ chế chính sách hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh cũng thường xuyên giải đáp pháp luật trong phạm vi ngành, lĩnh vực do mình quản lý có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp thông qua các hình thức như: giải đáp bằng văn bản, qua điện thoại, qua mạng điện tử, giải đáp trực tiếp...
Ngoài ra, tỉnh Đắk Lắk đã thực hiện tốt việc tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp liên quan đến các quy định của pháp luật về xem xét, kiến nghị hoặc sửa đổi, bổ sung, ban hành mới các văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền; chỉ đạo các sở, ngành chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp nghiên cứu các kiến nghị của doanh nghiệp để tham mưu ban hành văn bản sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế cho phù hợp…
Định kỳ 6 tháng, UBND tỉnh đều tổ chức gặp mặt các doanh nghiệp, lãnh đạo các sở, ngành liên quan lắng nghe các doanh nghiệp, nhà đầu tư phản ánh những khó khăn, vướng mắc trong hoạt động sản xuất kinh doanh, trực tiếp giải đáp nhiều vướng mắc về triển khai, thực thi pháp luật đối với doanh nghiệp. |
Châu Giang
Ý kiến bạn đọc