Multimedia Đọc Báo in

Công khai săn - bán chim trời

07:28, 24/09/2018

Loài chim vốn sống tự do bay lượn trên bầu trời nay trở thành “món hàng” bị săn bắt theo kiểu tận diệt.

Một dịp xuống huyện Ea Kar, chúng tôi có cơ hội chứng kiến quy trình bẫy chim của cánh thợ săn đang “hành nghề” tại khu vực thôn 2, xã Ea Ô. Dụng cụ bẫy chim gồm: Một chiếc máy phát âm thanh đã thu sẵn tiếng chim kêu gắn cố định trên chiếc xe máy cho tiện di chuyển; hai thanh cây dài dùng để thoa keo dính giữ chân chim. Phát hiện đàn chim sẻ đậu trên dây điện, người thợ săn liền chạy xe tới, bật máy phát tiếng chim, đồng thời nhanh chóng thoa keo dính lên hai thanh cây, đặt gần dây điện rồi đi nhanh ra phía xa quan sát. Trong phút chốc, nhiều chú chim sẻ sà xuống, đậu vào hai thanh cây và bị keo dính chặt. Chúng hoảng hốt vùng vẫy bay thoát, nhưng càng cố lông càng bám chặt vào bẫy. Thấy người lạ để mắt, tay thợ săn liền thu nhanh “chiến lợi phẩm”, rời đi nơi khác.

Ông Nguyễn Quang Lịch, một người dân ở đây cho biết, mùa này chim sẻ hay về, đậu thành đàn trên dây điện. Chim sống theo bầy đàn nên khi nghe tiếng kêu đồng loại, dù ở đâu chúng cũng bay đến. Đặc tính này vô tình trở thành “điểm yếu” để cánh thợ săn khai thác, giăng bẫy.

Chim vẹt bán tại Quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng,huyện Cư M'gar.
Chim vẹt bán tại Quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng,huyện Cư M'gar.

Đi trên  Quốc lộ 14 đoạn qua xã Cuôr Đăng (huyện Cư M’gar) những ngày này, ta sẽ thấy nhiều chú vẹt bị buộc chân cột vào cây cắm lên thân cây chuối bày bán hai bên đường. Thấy khách ghé vào ngắm chú vẹt, người bán nhanh nhảu mời chào: “Mua vẹt đi em. Vẹt này bẫy trong rừng nên rất khỏe mạnh. Lông chúng xanh mượt, kêu hót to lắm”. Hỏi giá, chị bảo 100 nghìn/con. Khách lắc đầu, chị bồi thêm: “Nay đang mùa thu hoạch bắp, chim vẹt mới bay về nhiều. Chúng rất tinh khôn, khó bắt. Chị mua lại thợ bẫy đã 60 nghìn/con, em mua nhiều chị lấy giá 80 nghìn. Giá này rẻ lắm rồi, em ra của hàng bán chim cảnh đảm bảo không có giá mềm như vậy đâu”.

Ngược về TP. Buôn Ma Thuột, đoạn qua Cầu Trắng (phường Ea Tam) – nơi chợ chim trời được ngụy trang dưới vỏ bọc “chim cảnh” rao bán công khai, đủ loại và tất nhiên giá “chát” hơn so với chợ huyện. Bù lại, ở đây có dịch vụ làm thịt chim sạch sẽ và hướng dẫn cách nấu từng món cụ thể. Tương tự, tại ngã tư đường Lê Duẩn - Nguyễn Công Trứ (đoạn gần ngã 6), đường Phan Chu Trinh thi thoảng xuất hiện người bán cầm cả chùm chim chào bán khách đi đường trông rất phản cảm.

Máy phát tiếng chim kêu giả dẫn dụ chim thật sập bẫy trên dây điện.
Máy phát tiếng chim kêu giả dẫn dụ chim thật sập bẫy trên dây điện.

Được biết, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 99/2009/NĐ-CP trong đó có nội dung cấm các hành vi săn bắt chim, thú hoang dã, nếu vi phạm sẽ bị xử lý nghiêm. Thế nhưng, nhiều người cho rằng “chim trời, cá nước”, ai cũng có quyền khai thác. Họ không biết rằng đây là hành vi phạm pháp, đẩy chim rừng vào thế tuyệt chủng. 

Huỳnh Thủy


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.