Multimedia Đọc Báo in

Xâm hại tình dục trẻ em - hồi chuông báo động (Kỳ 1)

09:40, 25/09/2018

Hiện nay, tình trạng xâm hại tình dục trẻ em (XHTDTE) đang ngày càng phức tạp. Đáng lo ngại, thủ phạm của các vụ XHTDTE thường có mối quan hệ quen biết với nạn nhân, thậm chí còn là người thân, ruột thịt. Vấn nạn này không chỉ để lại hậu quả nặng nề với bản thân người bị hại mà còn ảnh hưởng đến cả gia đình và xã hội. 

Kỳ I: “Vết thương” không bao giờ liền sẹo

Những câu chuyện đau lòng về XHTDTE trên địa bàn tỉnh thời gian qua khiến nhiều người không khỏi giật mình…

Khi hàng xóm là “yêu râu xanh”

Đã hơn một năm trôi qua nhưng dư luận vẫn chưa hết xôn xao và xót thương về chuyện cháu L.A.K. (sinh năm 2013, ở xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) bị người hàng xóm dở trò đồi bại. Theo lời kể từ người thân của cháu K., xẩm tối ngày 13-7-2017, K. sang chơi bên nhà hàng xóm là Lê Viết Báo (sinh năm 1985). Nhìn thấy K., Báo nảy sinh ý định hiếp dâm nhưng vì vợ và con gái đang ở nhà nên Báo đã dẫn cháu K. sang trường mầm non cạnh nhà, nơi hắn làm bảo vệ để dở trò. Sau khi thực hiện hành vi thú tính, Báo thấy vùng kín của cháu K. bị chảy nhiều máu nên bế cháu về nhà mình và sang nói dối với bố mẹ K. là thấy 2 đứa trẻ đánh nhau nên bực tức lỡ dùng cây chà nhà vệ sinh đâm vào bộ phận sinh dục của cháu K. dẫn đến chảy máu. Ngay sau đó K. được gia đình đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Vào bệnh viện, thấy con kêu đau bụng và đau bộ phận sinh dục, bố mẹ K. nghi ngờ mới tìm hiểu nguyên nhân và được con kể lại toàn bộ sự việc. Qua kiểm tra các bác sĩ phát hiện cháu K. bị vết thương rách âm hộ, màng trinh, âm đạo, túi cùng sau, chảy máu ổ bụng nên tiến hành phẫu thuật gấp. Kết luận thương tích của Trung tâm Pháp y, Sở Y tế sau đó cho thấy, cháu K. bị tỷ lệ thương tích 41%.

Cán bộ dân số huyện Ea Kar nói chuyện ngoại khóa với học sinh trên địa bàn về sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục.
Cán bộ dân số huyện Ea Kar nói chuyện ngoại khóa với học sinh trên địa bàn về sức khỏe sinh sản, phòng chống xâm hại tình dục.

Bức xúc trước hành vi thú tính của Báo, bố mẹ cháu K. đã làm đơn tố cáo hành vi đồi bại của hắn lên cơ quan công an. Bản thân Báo cũng biết mình không thể thoát tội nên tìm đến cơ quan công an địa phương để đầu thú. Mức án tù chung thân về tội “Hiếp dâm trẻ em” do Tòa án cấp cao tại Đà Nẵng tuyên án tại phiên tòa phúc thẩm ngày 18-4-2018 là hình phạt thích đáng đối với bị cáo Lê Viết Báo. Nhưng đối với cháu K. và gia đình thì nỗi đau bị xâm hại tình dục chẳng thể nguôi ngoai. Đến nay, đã hơn một năm kể từ khi vụ việc xảy ra, dù đã được điều trị sức khỏe và tâm lý ở nhiều nơi, nhưng cháu K. vẫn luôn ở trong tâm trạng hoảng loạn, sợ hãi, nhất là khi gặp người lạ. Anh N., bố của cháu K. chia sẻ: “Thời gian cháu xảy ra chuyện, gia đình tôi đóng cửa cả tháng trời để đưa con đi điều trị cả về sức khỏe lẫn tâm lý. Đến hiện tại thương tích của cháu đang dần hồi phục nhưng chúng tôi rất lo di chứng để lại cho cháu về sau, nhất là đường con cái. Còn tâm lý của cháu tuy đã điều trị nhiều nơi nhưng vẫn chưa thể hồi phục. Giờ cháu không chịu tiếp xúc với ai ngoài mẹ, ngay cả tôi là bố mà cháu cũng không cho bế. Vợ chồng tôi đã có ý định chuyển đến nơi khác sinh sống để cho con bắt đầu một cuộc sống mới, tránh gợi lại quá khứ đau lòng, nhưng cuộc sống hiện tại đang còn khó khăn nên vẫn chưa thực hiện được”.

Cha ruột hóa... “hổ dữ”

Không chỉ bị những “yêu râu xanh” là hàng xóm, người quen của gia đình lợi dụng, nhiều trẻ em còn trở thành nạn nhân bị XHTD từ chính người thân trong gia đình. Đơn cử như trường hợp của cháu N.T.M (4 tuổi), một bé gái tật nguyền từng bị cha đẻ cưỡng bức nhiều lần, hiện đang được Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng. Những năm tháng đầu đời của M. là chuỗi ngày thấm đẫm nước mắt. Mẹ bỏ nhà đi khi cháu vừa chào đời, M. sống cùng cha ruột trong một khu nhà trọ ở phường Tân Lập, TP. Buôn Ma Thuột. Hằng ngày, người cha tàn tật của M. đi bán vé số kiếm tiền trang trải cuộc sống của 2 cha con. Những tưởng bất hạnh chỉ đến thế, ai ngờ để thỏa mãn dục vọng bản thân, người cha ấy đã ép chính đứa con ruột trong độ tuổi “vắt mũi chưa sạch” làm “chuyện người lớn”. Đêm đêm, tiếng khóc thét đau đớn đầy bất thường của đứa trẻ phát ra từ phía nhà trọ của 2 cha con M. đã khiến người dân xung quanh phải chú ý và theo dõi. Đến khi phát hiện tiếng khóc thét của bé gái 4 tuổi tàn tật ấy là do đau đớn vì bị người cha xâm hại, nhiều người không tránh khỏi phẫn nộ liền báo chính quyền địa phương. Sau đó, cháu M. được gửi vào Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh nuôi dưỡng.

Bị cáo Lê Viết Báo, người XHTD cháu K. tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 18-4-2018. (Ảnh tư liệu)
Bị cáo Lê Viết Báo, người XHTD cháu K. tại Phiên tòa phúc thẩm ngày 18-4-2018. (Ảnh tư liệu)

Thông tin tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra ngày 6-8 vừa qua, trong 6 tháng đầu năm 2018, cả nước xảy ra 720 vụ XHTE, trong đó có 573 vụ XHTDTE, chiếm 79,5%. Tính chất vụ việc, bạo lực xâm hại trẻ em ngày càng nghiêm trọng, phức tạp, gây bức xúc trong xã hội.

Nhớ lại ngày đầu tiếp nhận M. về nuôi dưỡng, bà Nguyễn Thị Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Bảo trợ trẻ em tỉnh chia sẻ: Tôi không thể nào quên được ngày tiếp nhận cháu M. từ cán bộ phụ nữ của phường Tân Lập. Khi đó cháu không chỉ là một đứa trẻ bị khuyết tật vận động 2 chân, đi lại khó khăn mà còn ở trong tình trạng hoảng loạn về tâm lý. Nhìn cháu, chúng tôi không cầm được nước mắt và cố gắng chăm sóc cháu thật tốt. 3 năm sống ở Trung tâm, cuộc sống của cháu cũng như được lật sang một trang mới, cháu đã đi học như bạn bè cùng trang lứa, tâm lý cũng ổn định hơn. Đặc biệt, cháu đã được tài trợ phẫu thuật chân nên việc vận động, đi lại đã dễ dàng hơn trước nhiều.

Phải nói rằng, 2 cháu bé K. và M. chỉ là số ít trong rất nhiều trường hợp trẻ em bị XHTD trên địa bàn tỉnh. Hành vi XHTDTE không chỉ gây tổn thương thể chất và để những hậu quả nhất thời mà còn có thể ảnh hưởng lâu dài đối với trẻ em và gia đình. Trên thực tế, nhiều gia đình nạn nhân đã phải vật lộn với việc thay đổi sinh kế, chuyển nơi sinh sống để tránh bị kỳ thị, tạo cho con em mình một cuộc đời mới. Song có lẽ nỗi đau bị XHTD lúc thơ bé sẽ để lại trong trí não non nớt của các em “bóng đen tâm lý” khó phai mờ.

(còn nữa)

Kỳ 2: Ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em: Không thỏa hiệp với cái ác

 Kim Oanh – Thu Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.