Multimedia Đọc Báo in

Xâm hại tình dục trẻ em - hồi chuông báo động (Kỳ 2)

08:40, 26/09/2018

Kỳ 2: Ngăn chặn xâm hại tình dục trẻ em: Không thỏa hiệp với cái ác

Bảo vệ trẻ em khỏi xâm hại tình dục không chỉ là trách nhiệm của một cá nhân, một gia đình hay một tổ chức xã hội, mà đó là trách nhiệm chung của toàn xã hội, trong đó gia đình đóng vai trò trọng tâm.

Phần nổi của tảng băng

Thống kê của ngành chức năng cho thấy, năm 2017, toàn tỉnh xảy ra 61 vụ XHTDTE, tăng nhiều so với những năm trước đó. Còn từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn tỉnh cũng đã xảy ra khoảng 30 vụ XHTDTE. Song, trên thực tế, con số này mới chỉ là “phần nổi của tảng băng trôi” chứ chưa phải con số thực về số lượng trẻ em bị XHTD, bởi không ít vụ việc đã và đang “chìm xuồng” do nhiều nguyên nhân khác nhau, trong đó có cả sự im lặng của chính nạn nhân và gia đình. Theo Thiếu tá Trần Hồng Quân, Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh, thời gian vừa qua, trên địa bàn tỉnh vẫn xảy ra các vụ án hiếp dâm trẻ em, nạn nhân chủ yếu là trẻ em dưới 13 tuổi. Tội phạm XHTDTE hay xảy ra ở vùng nông thôn, chúng thường lợi dụng vào những lúc gia đình đi làm, không có người trông coi con trẻ ở nhà, hoặc trẻ trên đường đi học về qua những chỗ vắng vẻ để thực hiện hành vi hiếp dâm nên ít bị phát hiện, ngăn chặn.

Một buổi ngoại khóa về giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar).
Một buổi ngoại khóa về giới tính và sức khỏe sinh sản cho học sinh Trường THPT Ngô Gia Tự (huyện Ea Kar).

Có thể thấy, ngoài rào cản tâm lý ngại động chạm đến vấn đề “tế nhị”, ngại đối đầu với sự đàm tiếu từ dư luận xã hội có thể làm ảnh hưởng tới tương lai của gia đình và chính nạn nhân, thì việc lo lắng không có đủ chứng cứ buộc tội cũng khiến nhiều người không thể vượt qua để tố giác vụ việc. Chia sẻ về vấn đề này, Luật sư Lưu Thị Thu Hiền, Trung tâm Tư vấn pháp luật tỉnh cho biết: Trong quá trình bảo vệ trẻ em bị XHTD, có một số vấn đề các cơ quan tiến hành tố tụng đang vướng mắc đó là việc tìm cho ra nguồn căn và hành vi xâm phạm vì đặc điểm của hành vi XHTDTE thường bị phát hiện sau khi hành vi đã được thực hiện. Khi phát hiện, nếu bản thân trẻ em, gia đình trẻ em không báo cáo kịp thời, hoặc không lưu giữ chứng cứ là vật chứng của vụ án thì cơ quan chức năng sẽ gặp khó khăn trong việc xác minh, điều tra. Trên thực tế đã có một số vụ việc sau khi trẻ bị XHTD, gia đình e ngại nên trình báo, tố cáo chậm, chứng cứ không còn (do trẻ đã tắm rửa nên bộ phận sinh dục không còn lưu giữ mẫu tinh trùng, hoặc quần áo các em mặc khi bị xâm hại đã được gia đình giặt...) và đối tượng XHTD không thừa nhận hành vi, dẫn đến thời gian xác minh, điều tra kéo dài, chưa đủ căn cứ buộc tội nghi can. Thậm chí có vụ việc thời gian xảy ra quá lâu, chứng cứ bị hủy hoại, cơ quan điều tra không thể khắc phục nên phải đình chỉ, không xử lý được đối tượng phạm tội.

Chung tay ngăn chặn XHTDTE

Để từng bước đẩy lùi và ngăn chặn XHTDTE, thời gian qua, các ngành chức năng trên địa bàn tỉnh đã phối hợp đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật, trong đó có Luật Trẻ em đến người dân, nhất là người dân ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa; cung cấp kỹ năng sống, kỹ năng phòng chống tai nạn thương tích, xâm hại tình dục cho trẻ em; có các hoạt động can thiệp, trợ giúp trẻ bị XHTD; từng bước đưa nội dung giáo dục giới tính phù hợp với từng lứa tuổi vào trường học để các em có thể chủ động bảo vệ mình và có ứng xử phù hợp trong tình huống xấu nhất... Tuy nhiên, theo bà Tô Thị Tâm, Phó Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, ngoài công tác phối hợp của các ngành chức năng thì sự mạnh dạn lên tiếng, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời vụ việc XHTDTE cho cơ quan chức năng của chính các nạn nhân và gia đình các em cũng là một cơ sở để đẩy lùi tình trạng XHTDTE. Bởi sự lên tiếng kịp thời sẽ đưa hành vi XHTDTE ra ánh sáng để tội phạm XHTDTE phải chịu trách nhiệm trước pháp luật.

Theo các chuyên gia tâm lý, để phát hiện trẻ bị xâm hại tình dục, cha mẹ cần để ý đến biểu hiện của trẻ như: trẻ thường sợ hãi, lo lắng nhất là khi tiếp xúc với đàn ông; trẻ thường hoang mang, thường xuyên giật mình, có hành động vô thức hoặc trốn tránh không gặp một người nào đó. Thậm chí, một số trẻ thường co rúm người lại, hoặc chống cự khi có người khác giới đến gần.

Thực tế, bảo vệ trẻ em khỏi XHTD được xem là vấn đề cấp bách hiện nay. Tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về công tác bảo vệ trẻ em diễn ra vào đầu tháng 8 vừa qua, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã yêu cầu các cấp, ngành, địa phương cần nhận thức đầy đủ hơn, sâu sắc hơn về quyền trẻ em; đưa ra các biện pháp để bảo vệ trẻ em tốt hơn, kịp thời hơn và hiệu quả hơn. Đồng thời, tăng cường giáo dục đạo đức lối sống trong nhà trường, gia đình và tiếp tục cung cấp kiến thức pháp lý cho toàn xã hội về việc bảo vệ chăm sóc trẻ em. Đặc biệt, việc xử lý vụ việc về xâm hại trẻ em cần phải đạt hiệu quả, tạo niềm tin cho chính gia đình người bị hại và quần chúng nhân dân.

Nhìn nhận qua thực tiễn khi mà hầu hết các trường hợp tội phạm XHTD xuất phát từ những đối tượng mà trẻ gần gũi như người giữ trẻ, người thân, hàng xóm, bạn bè của cha mẹ... thì việc cung cấp cho trẻ những kỹ năng phòng tránh XHTD là yếu tố quan trọng để ngăn chặn tình trạng tội phạm XHTDTE. Các bậc cha mẹ cần dành thời gian quan tâm nhiều hơn nữa đến con em mình, sớm dạy cho trẻ biết kiến thức cơ bản về giới tính, cách nhận diện các tình huống nguy cơ; hướng cho trẻ biết cách chia sẻ những chuyện không thoải mái, khó chịu với cha mẹ, tránh giữ bí mật; dạy trẻ biết tìm người giúp đỡ khi gặp nguy hiểm...

Thiết nghĩ, XHTDTE hiện đã trở thành một vấn nạn xã hội. Việc xử lý nghiêm minh những đối tượng XHTDTE là rất cần thiết. Song cấp thiết hơn cả là sự chung sức, đồng lòng chăm sóc, bảo vệ và định hướng để trẻ em phát triển một cách toàn diện, tránh được các nguy cơ bị xâm hại, trong đó có XHTD.

Kim Oanh – Thu Hồng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.