"Nóng" tình trạng sử dụng điện "đào" tiền ảo
Gần đây, Công ty Điện lực Đắk Lắk đã phát hiện nhiều vụ việc khách hàng cố ý sử dụng điện sai mục đích để phục vụ cho hoạt động “đào” tiền ảo trên mạng. Đây là hành vi vi phạm sử dụng điện tinh vi, có sử dụng thiết bị công nghệ cao mới nổi lên trong thời gian gần đây.
Theo đó, một số khách hàng sử dụng điện để phục vụ hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như Bitcoin. Các vụ việc được phát hiện khi Công ty điện lực ghi nhận có sự gia tăng bất thường về sản lượng điện tiêu thụ ở một số đối tượng khách hàng sử dụng điện. Sau khi ngành Điện tiến hành theo dõi, rà soát thì bắt quả tang trong nhà khách hàng có các máy “đào” tiền ảo đang hoạt động. Toàn bộ thiết bị này hoạt động liên tục 24/24 giờ mỗi ngày.
Điển hình như ngày 21-8-2018, qua kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán điện, Điện lực Nam Buôn Ma Thuột đã phát hiện sản lượng tiêu thụ điện tại Công ty TNHH A.P.V (TP. Buôn Ma Thuột) biến động tăng thất thường, đặc biệt, có hoạt động sử dụng điện liên tục 24/24 giờ và sản lượng tăng cao vào ban đêm. Từ những nghi vấn bất thường này, Điện lực đã phối hợp với chính quyền địa phương tiến hành kiểm tra và phát hiện doanh nghiệp này vi phạm về giá bán điện để phục vụ hoạt động khai thác đồng tiền ảo. Cụ thể, trong hợp đồng đã thỏa thuận với ngành Điện, khách hàng đăng ký điện cho mục đích sản xuất, xay xát, bơm tưới cà phê nhưng trên thực tế lại dùng để khai thác đồng tiền ảo (phục vụ hoạt động kinh doanh). Doanh nghiệp trên đã bị xử phạt hơn 8 triệu đồng về hành vi vi phạm hợp đồng mua điện và tiến hành truy thu số tiền chênh lệch giá hơn 102 triệu đồng.
Nhân viên Công ty Điện lực Đắk Lắk tiến hành kiểm tra việc sử dụng điện tại huyện Ea H’leo. |
Tương tự, ngày 1-8-2018, Điện lực Krông Pắc cũng đã kiểm tra và phát hiện khách hàng (trú tại thị trấn phước An) có hành vi vi phạm giá bán điện. Theo đó, khách hàng này đăng ký mục đích sản xuất nhưng lại sử dụng điện để hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo (Bitcoin). Khách hàng này đã bị xử phạt gần 4 triệu đồng vì vi phạm hợp đồng mua bán điện, cùng với đó, ngành Điện cũng truy thu số tiền chênh lệch giá trên 47 triệu đồng.
Theo ông Lê Hoài Nhơn, Phó Giám đốc Công ty Điện lực Đắk Lắk, trên thực tế, các thiết bị sử dụng để khai thác “đào” tiền ảo thường tiêu thụ lượng điện năng lớn. Vì vậy, để “tiết kiệm” chi phí tiền điện, người sử dụng điện tìm cách cố tình sử dụng điện sai mục đích nhằm hưởng được giá bán điện thấp hơn từ ngành Điện. Cụ thể, họ đăng ký sử dụng điện để sản xuất, nhưng thực tế lại phục vụ cho hoạt động kinh doanh. Theo thống kê của Công ty Điện lực Đắk Lắk, từ đầu năm đến nay, đơn vị đã kiểm tra và phát hiện nhiều vụ vi phạm về sử dụng điện. Riêng vi phạm về giá bán điện liên quan đến hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo đã phát hiện, xử lý 10 vụ, đã tiến hành xử phạt vi phạm hợp đồng số tiền hơn 24 triệu đồng và truy thu số tiền chênh lệch giá hơn 300 triệu đồng. Về vấn đề này, trước đó Bộ Công thương đã có công văn số 1402/ BCT-ĐTĐL, ngày 22-2-2018 về việc hướng dẫn thực hiện giá bán điện cho hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo. Theo Bộ Công thương, hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo như bitcoin, litecoin, ethereum và một số loại đồng tiền tương tự khác thông qua phần mềm đã được lập trình sẵn trên hệ thống máy tính xử lý dữ liệu tự động là hoạt động mang tính chất làm dịch vụ thông qua việc giải thuật toán để xác minh giao dịch mua bán trên mạng. Vì vậy điện năng sử dụng cho các hoạt động này thuộc đối tượng áp dụng giá bán điện cho các mục đích kinh doanh. Chiếu theo quy định hiện nay thì giá bán lẻ điện cho kinh doanh được chia theo giờ bình thường, thấp điểm và cao điểm, tương ứng ở cấp điện áp dưới 6 kV là 2.461 đồng/kWh - 1.497 đồng/kWh - 4.233 đồng/kWh. Trong khi đó, giá điện cho sản xuất tương ứng chỉ là 1.572đ/kWh – 1.004 đ/kWh – 2.862 đ/kWh và giá điện sinh hoạt hiện ở mức 1.549 đồng/kWh - 2.701 đồng/kWh cho bậc lũy kế cao nhất.
Hiện trường một vụ sử dụng điện sai mục đích liên quan đến hoạt động giải mã, khai thác đồng tiền ảo (Bitcoin). Ảnh do ngành điện cung cấp |
Ông Lê Hoài Nhơn cho rằng, hành vi cố ý sử dụng điện sai mục đích đã thỏa thuận trong hợp đồng mua bán điện để hưởng lợi về giá điện gây thiệt hại lớn cho bên bán điện. Đặc biệt, trong hoạt động “đào” tiền ảo thì sản lượng điện lại càng lớn. Do đó, đơn vị đã và đang tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động mua bán điện nhằm kịp thời ngăn chặn, xử lý đối với đối tượng khách hàng có biểu hiện không trung thực trong sử dụng điện. Tuy nhiên, trên thực tế, trong quá trình kiểm tra, đơn vị cũng gặp một số khó khăn như khách hàng bất hợp tác, cố tình đóng cửa, cản trở… Do đó, ngành Điện rất cần sự hỗ trợ, phối hợp của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương trong việc thực hiện công tác kiểm tra, giám sát nhằm bảo đảm an toàn, tránh các hành vi vi phạm về sử dụng điện trên địa bàn.
“Đào” Bitcoin là một quy trình tiêu thụ điện năng tốn kém nhằm tạo ra đồng tiền ảo. Đây là quy trình sử dụng năng lực điện toán cao để giải các phương trình toán học phức tạp, chứng minh rằng người “đào” nặc danh đã sử dụng quy trình mà hệ thống nhất trí để xây dựng hồ sơ chuỗi khối (blockchain) của các giao dịch. Sau đó, người “đào” sẽ nhận được Bitcoin như một phần thưởng cho việc giải thành công phương trình. Nếu chi phí tạo ra một đồng Bitcoin vượt quá giá thị trường của một đồng Bitcoin, thì coi như những người “đào” Bitcoin không có lợi nhuận. |
Đỗ Lan
Ý kiến bạn đọc