Phát huy hiệu quả công tác hòa giải cơ sở
Những năm qua, các cấp ủy đảng, chính quyền huyện Cư M’gar đã tập trung chỉ đạo thực hiện tốt công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân.
Theo thống kê của Phòng Tư pháp huyện Cư M’gar, toàn huyện hiện có 189 tổ hòa giải cơ sở với trên 1.500 hòa giải viên. Từ đầu năm đến nay, các tổ đã hòa giải thành công 148 vụ việc mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng.
Ông Bùi Ngọc Thanh, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Ea Pốk cho biết, thị trấn có 16 tổ hòa giải (mỗi tổ có từ 5-7 thành viên) tại 11 thôn và 5 buôn đồng bào dân tộc thiểu số. Thành viên các các tổ hòa giải đều là những người có uy tín trong cộng đồng, được người dân bầu chọn. Không chỉ gương mẫu đi đầu trong chấp hành các quy định và pháp luật, các thành viên của tổ hòa giải còn nắm vững kiến thức pháp luật, có khả năng vận động, thuyết phục và tinh thần trách nhiệm cao với công việc. Nhờ vậy, họ đã khéo léo can thiệp, khuyên giải kịp thời, thỏa đáng những mâu thuẫn, tranh chấp trong dân. Từ đầu năm 2018 đến nay, các tổ hòa giải đã tiếp nhận và hòa giải thành 26 vụ việc từ cơ sở, không có trường hợp nào khiếu kiện vượt cấp, kéo dài.
Tổ hòa giải thôn Tiến Phát (xã Quảng Tiến, huyện Cư M'gar) tham gia hòa giải một trường hợp tranh chấp đất trên địa bàn. |
“Hoạt động của các tổ hòa giải trên địa bàn huyện được duy trì thường xuyên, hiệu quả, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, nâng cao nhận thức của mỗi cá nhân về chấp hành pháp luật, gắn kết tình làng nghĩa xóm; đảm bảo an ninh trật tự và phát triển kinh tế - xã hội của địa phương"
Ông Hoàng Duy Thanh, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M’gar
|
Thôn 4, xã Cư Suê hiện có 254 hộ dân với trên 700 nhân khẩu, kinh tế chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp. Những năm qua, nhiều vụ việc liên quan đến tranh chấp đất đai, mâu thuẫn gia đình, xây dựng nông thôn mới… đều được tổ hòa giải thôn giải quyết ổn thỏa, hợp tình, hợp lý. Các thành viên trong tổ đã tích cực tham gia các lớp tập huấn, trợ giúp pháp lý do huyện và xã tổ chức; tự tìm hiểu thêm về pháp luật để có kiến thức tuyên truyền, giải thích cho người dân. Thông qua các buổi họp dân, giao lưu văn hóa - văn nghệ của thôn, tổ hòa giải thôn còn mời cán bộ tư pháp xã về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân… Nhờ đó, đã góp phần nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, hạn chế các tranh chấp dân sự, bảo đảm ổn định tình hình an ninh trật tự trên địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Tuất, Tổ trưởng Tổ hòa giải thôn 4 kể: Mới đây, khi triển khai làm bê tông tuyến đường dài gần 500 m ở thôn 4, nhiều hộ dân đã tự nguyện hiến đất để mở rộng đường, riêng có gia đình ông L.V.L. lại yêu cầu thôn phải mua đất của ông. Tổ hòa giải thôn phối hợp với chi bộ, Ban công tác Mặt trận, Ban tự quản thôn nhiều lần đến nhà ông L. để tuyên truyền, thuyết phục, phân tích về tầm quan trọng, ý nghĩa của việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Qua công tác tuyên truyền, vận động, ông L. đã tự nguyện hiến 160 m2 đất và phá bỏ 50 trụ tiêu trong vườn, tự giải tỏa mặt bằng và góp thêm tiền để cùng người dân trong thôn làm đường bê tông.
Tổ hòa giải thôn 4, xã Cư Suê hội ý trước khi đi tuyên truyền, vận động nhân dân. |
Ông Hoàng Duy Thanh, Phó Trưởng Phòng Tư pháp huyện Cư M’gar cho hay, nhằm nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, hằng năm, Phòng luôn chú trọng tham mưu, tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, nghiệp vụ cho đội ngũ hòa giải viên. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nắm tình hình hoạt động hòa giải ở cơ sở để kịp thời có hỗ trợ cần thiết, lấy kết quả công tác hòa giải hiệu quả để làm cơ sở chấm điểm thi đua của các xã, thị trấn. Qua đó, chất lượng hoạt động hòa giải được nâng lên, tỷ lệ hòa giải thành công ngày càng cao.
Lê Thành
Ý kiến bạn đọc