Cần có biện pháp cứng rắn hơn đối với những tài xế say xỉn khi tham gia giao thông
Trước thực trạng tai nạn giao thông đang gia tăng do tài xế say xỉn không làm chủ tốc độ gây ra, lực lượng cảnh sát giao thông (CSGT) phải thường xuyên chốt chặn trên các tuyến đường để đo nồng độ cồn và xử lý nhiều trường hợp vi phạm.
Dư luận thì đề xuất nhiều giải pháp để ngăn chặn tình trạng tài xế say xỉn như xử phạt thật nặng, cho lao động công ích hoặc thậm chí là phạt tù… Một trong những đề xuất nhận được nhiều ý kiến trái chiều từ dư luận, đó là có nên tịch thu phương tiện của lái xe say xỉn hay không?
Về mặt tích cực, đề xuất này sẽ góp phần nâng cao nhận thức của các tài xế khi tham gia giao thông. Nếu bị CSGT kiểm tra có nồng độ cồn vượt mức cho phép thì sẽ bị tịch thu phương tiện dẫn đến thiệt hại về kinh tế, bởi phương tiện là tài sản có giá trị lớn và tạo ra thu nhập của các tài xế. Vì vậy, các tài xế sẽ phải cân nhắc có nên uống rượu, bia khi tham gia giao thông hay không. Tuy nhiên, trong trường hợp tài xế say xỉn bị tịch thu phương tiện mà phương tiện đó là tài sản của người khác do thuê, mượn… mà có chứ không phải là tài sản của tài xế thì khi đó tịch thu phương tiện đó được hay không.
Mặt khác, quy định của pháp luật hiện hành về xử lý vi phạm đối với tài xế say xỉn không có quy định về tịch thu phương tiện trong trường hợp này, nên muốn thực hiện đồng nghĩa với việc phải rà soát lại hệ thống các văn bản pháp luật điều chỉnh và đề nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung mới có thể thực hiện. Điều này sẽ khiến mất rất nhiều thời gian và tốn kém chi phí. Ngoài ra, phương tiện tham gia giao thông là tài sản có giá trị lớn, bị tịch thu phương tiện sẽ làm cho tinh thần của tài xế bị kích động mạnh dẫn đến hành vi chống người thi hành công vụ, không chấp hành hiệu lệnh của lực lượng tuần tra, kiểm soát giao thông… hoặc sẵn sàng mãi lộ để được bỏ qua hành vi vi phạm.
Lực lượng Cảnh sát giao thông tỉnh tiến hành đo nồng độ cồn người điều khiển phương tiện giao thông đường bộ trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột. Ảnh: T. Hùng |
Việc tài xế say xỉn điều khiển phương tiện tham gia giao thông là do ý thức chấp hành pháp luật chưa tốt, các quy định xử phạt vi phạm hành chính hiện hành chưa đủ sức răn đe, giáo dục, ngăn ngừa hành vi vi phạm. Vì vậy, thiết nghĩ cần phải đề ra các biện pháp cứng rắn hơn mới có thể thay đổi căn bản ý thức của các tài xế. Cụ thể, phải có quy định phạt tiền thật nặng, đồng thời, kéo dài thời gian tạm giữ phương tiện và Giấy phép lái xe của các tài xế say xỉn từ 3 - 6 tháng hoặc 1 năm. Đến thời hạn hoàn trả phương tiện và Giấy phép lái xe, tài xế vi phạm buộc phải học lại kiến thức pháp luật về giao thông đường bộ để được cấp chứng chỉ và nộp chứng chỉ đó cho cơ quan tạm giữ để làm thủ tục hoàn trả phương tiện và Giấy phép lái xe theo quy định.
Bên cạnh đó, lực lượng CSGT cần thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật để nâng cao ý thức của người tham gia giao thông; tăng cường chốt chặn, kiểm tra nồng độ cồn, nhất là các địa điểm nhà hàng, quán nhậu và kiên quyết không tiêu cực trong xử lý vi phạm, có như vậy mới nâng cao ý thức của các tài xế khi tham gia giao thông.
Đỗ Văn Nhân
Ý kiến bạn đọc