Multimedia Đọc Báo in

Hiệu quả từ kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm về ma túy tại Ea Wy

09:46, 09/01/2019

Cách trung tâm huyện gần 30 km, Ea Wy là xã vùng sâu vùng xa còn nhiều khó khăn của huyện Ea H’leo. Năm 1991, hàng nghìn hộ dân ở các tỉnh miền núi phía Bắc vào Ea Wy lập nghiệp, mang theo thói quen sử dụng thuốc phiện.

Tình trạng sử dụng ma túy ở Ea Wy diễn ra trong nhiều năm nhưng bắt đầu bùng phát mạnh từ cuối năm 2010. Cũng từ đó đã xảy ra bao nhiêu chuyện đau lòng, nhiều người chết vì ma túy, nhiều gia đình tán gia bại sản, vào tù ra tội vì ma túy. Thậm chí, đã có trường hợp 3 – 4 người trong một gia đình đều ngồi tù hoặc chết vì ma túy; vợ thuê người phá nhà rồi bỏ về nhà bố mẹ đẻ do không chịu nổi cảnh chồng nghiện hút, trộm cắp và liên tục ngồi tù; hay trường hợp bố mẹ viết đơn tố giác con đẻ của mình với công an…

Trước tình hình đó, nhiều cuộc hội thảo, hội nghị đã được Công an tỉnh tổ chức tại huyện Ea H’leo và Ea Wy nhằm huy động toàn bộ lực lượng tham gia công tác đấu tranh phòng chống tệ nạn ma túy, giải quyết dứt điểm địa bàn ma túy trọng điểm này. Tuy nhiên, nạn mua bán, sử dụng trái phép chất ma túy ở Ea Wy vẫn tái diễn. Năm 2017, thực hiện sự chỉ đạo của Ban Chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của tỉnh, huyện Ea H’leo đã triển khai thực hiện kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy tại xã Ea Wy, một lần nữa quyết tâm đẩy lùi “cái chết trắng”.

Công an huyện Ea H’leo đấu tranh với các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy ở xã Ea Wy.
Công an huyện Ea H’leo đấu tranh với các đối tượng mua bán, tàng trữ và sử dụng ma túy ở xã Ea Wy.

Hơn một năm qua, ngoài lực lượng công an làm nòng cốt, Ban Chỉ đạo của huyện đã chỉ đạo và huy động toàn bộ hệ thống chính trị từ huyện xuống cơ sở tập trung đẩy mạnh công tác tuyên truyền sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân về nguy cơ, tác hại, hậu quả của ma túy đối với sức khỏe và hạnh phúc của mỗi gia đình; phổ biến các quy định của pháp luật trong phòng, chống ma túy. Đặc biệt là tuyên truyền để người dân thay đổi nhận thức, không phân biệt, kỳ thị với người nghiện ma túy mà quan tâm, chia sẻ, giúp đỡ, động viên để họ cai nghiện và hỗ trợ người nghiện tái hòa nhập cộng đồng sau cai nghiện, tích cực tố giác các đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy.

Trung tá Đào Quốc Đạt, Đội trưởng Đội Cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế, ma túy - Công an huyện Ea H’leo cho biết: “Nhiều lực lượng, trong đó có cảnh sát điều tra về kinh tế và ma túy, cảnh sát hình sự, an ninh, lực lượng phong trào Công an phụ trách xã và các lực lượng nghiệp vụ khác đã tập trung đấu tranh triệt xóa các tụ điểm phức tạp về ma túy; tập trung đưa người nghiện đi xác định tình trạng nghiện để lập hồ sơ đưa vào trung tâm cai nghiện bắt buộc hoặc lập hồ sơ giáo dục tại xã. Đồng thời chặn đứng nguồn cung ma túy vào địa bàn”.

Sau hơn một năm triển khai kế hoạch chuyển hóa địa bàn trọng điểm, phức tạp về ma túy, từ một xã có gần 100 người nghiện ma túy, đến nay Ea Wy chỉ còn khoảng 30 người nghiện và không được xếp vào địa bàn phức tạp nữa. Toàn xã có 47 người nghiện được gia đình phối hợp với chính quyền và lực lượng công an đưa đi cai nghiện. Lực lượng Công an phối hợp cùng cơ quan chức năng đã phát hiện và khởi tố 6 vụ với 7 đối tượng mua bán, tàng trữ trái phép chất ma túy. Người nghiện giảm, vấn nạn trộm cắp cũng giảm đáng kể, nhiều loại tội phạm khác cũng được kiềm chế.

Trung tá Phùng Minh Trí, Phó Trưởng Công an huyện Ea H’leo khẳng định: Để tiếp tục phát huy hiệu quả trong công tác chuyển hóa địa bàn, Ea Wy sẽ lồng ghép nhiệm vụ phòng chống tội phạm, phòng chống ma túy với các chương trình phát triển kinh tế – xã hội; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục phòng, chống ma túy với phương châm tập trung vào các thôn, buôn tiềm ẩn phức tạp; rà soát, thống kê số người nghiện để giáo dục tại xã, tổ chức cai nghiện tại gia đình, cộng đồng và lập hồ sơ cai nghiện bắt buộc. Từ mô hình điểm tại xã Ea Wy, tới đây Ban chỉ đạo phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội và xây dựng phong trào Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc của huyện sẽ nhân rộng để triển khai tại Ea Khăl - cũng là xã trọng điểm, phức tạp về ma túy.

Minh Minh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.