Multimedia Đọc Báo in

Tăng cường đấu tranh phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen"

16:22, 16/04/2019
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh xuất hiện các băng nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” với những thủ đoạn tinh vi, liều lĩnh, thành lập công ty, doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh... tạo vỏ bọc hoàn hảo để phạm tội và che giấu hành vi phạm tội.
 
Thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm, đối tượng này là thông qua dịch vụ cầm đồ, kinh doanh tài chính để cho vay lãi nặng, đòi nợ thuê nhằm cưỡng đoạt tài sản. Trong quá trình hoạt động, chúng lại thường xuyên thay đổi chỗ ở, lưu động liên huyện, thành phố, tỉnh.... Bọn chúng lợi dụng sự thiếu hiểu biết và hoàn cảnh khó khăn của người dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số đứng ra cho vay nặng lãi với lý do “giúp đỡ" người dân lúc khốn khó.
 
Đơn cử, cuối năm 2018, Đội Cảnh sát Hình sự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) đã làm rõ, bắt và xử lý một nhóm gồm 6 đối tượng do Đỗ Trường Minh và Nghiêm Viết Quang cầm đầu. Các đối tượng này móc nối với Phan Tuấn Tài (ở xã Ea Kao, TP. Buôn Ma Thuột) để hoạt động.
 
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái phép trên các tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột.
Đoàn viên, thanh niên Công an tỉnh ra quân xóa quảng cáo, rao vặt trái phép trên các tuyến đường tại TP. Buôn Ma Thuột.
Tại cơ quan công an, nhóm này khai nhận đã mua phần mềm cầm đồ Mecash để dễ quản lý số tiền vốn do mình góp vào và tên khách hàng. Hằng ngày, các đối tượng đi dán tờ rơi quảng cáo cho vay vốn nhằm tìm kiếm thêm khách hàng, thủ tục cho vay đơn giản như: chỉ cần giấy chứng minh nhân dân, hộ khẩu, giấy vay viết tay, lãi suất vay từ 3.000 - 5.000 đồng/1 triệu/ngày và 200.000 đồng/ngày gồm cả gốc lẫn lãi trong vòng 30 ngày với trường hợp vay họ (còn gọi là bốc bát họ, trong đó bát họ tối thiểu là 5 triệu đồng.
 
Tuy nhiên, trên thực tế người vay chỉ nhận về được 80% số tiền vay được, còn 20% được "cắt" vào tiền lãi của 1 tháng vay, nhưng đến khi trả thì phải trả đúng số tiền vay ban đầu). Tính đến thời điểm bị bắt, nhóm này đã cho gần 100 người trên địa bàn tỉnh vay lãi nặng với tổng số tiền gần 1 tỷ đồng. Đội Cảnh sát Hình sự (Công an TP. Buôn Ma Thuột) đang tiếp tục mở rộng điều tra để xử lý các đối tượng trên. 
 
Tại buổi tuyên truyền về hoạt động “tín dụng đen” cho người dân xã Ia R’vê (huyện Ea Súp) vào cuối tháng 3 vừa qua, thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự (Công an tỉnh) cho biết, từ năm 2017 đến tháng 3-2019, Công an tỉnh đã đấu tranh, triệt phá, làm tan rã 51 nhóm với 214 đối tượng, 29 đối tượng riêng lẻ, 42 cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. 
 
“Hiện nay, trên địa bàn tỉnh vẫn tồn tại 22 nhóm với 89 đối tượng; 70 đối tượng riêng lẻ và 23 cơ sở kinh doanh có biểu hiện hoạt động “tín dụng đen”. Lực lượng cảnh sát hình sự (Công an tỉnh) đang tiếp tục đấu tranh, phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý theo đúng quy định của pháp luật" - Thượng tá Nguyễn Văn Quý, Phó Trưởng Phòng Cảnh sát Hình sự, Công an tỉnh. 
 
 

Theo thượng tá Nguyễn Văn Quý, tội cho vay nặng lãi trong giao dịch dân sự là loại tội phạm cấu thành vật chất, trong đó các đối tượng luôn tìm cách đối phó, che giấu hành vi phạm tội như: tiến hành hoạt động cho vay ở một nơi nhưng lại cất giấu tài liệu liên quan đến hoạt động cho vay ở một nơi khác, sử dụng phần mềm quản lý hoạt động cho vay (thường gọi là phần mềm quản lý bát họ), khi cơ quan công an tiến hành kiểm tra thì phần mềm này bị khóa lại, không đăng nhập trích xuất dữ liệu nên việc thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh hành vi tội phạm gặp nhiều khó khăn.

"Theo Điều 201 Bộ Luật hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 về tội cho vay lãi nặng trong giao dịch dân sự thì khung hình phạt cao nhất là 3 năm tù giam và các hình phạt bổ sung. Mặt khác, đây là tội phạm ít nghiêm trọng nên việc áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam cũng gặp nhiều khó khăn (theo Điều 119 Bộ Luật hình sự năm 2015 với tội phạm ít nghiêm trọng, nếu đối tượng có nơi cư trú rõ ràng thì không áp dụng biện pháp ngăn chặn là tạm giam) nên chưa tạo được tính răng đe, phòng ngừa loại tội phạm này", thượng tá Nguyễn Văn Quý nhấn mạnh.
 
Nhằm hạn chế, phòng ngừa tội phạm "tín dụng đen", Giám đốc Công an tỉnh đã ban hành Kế hoạch số 354/KH-CAT-PC02, ngày 4-10-2018 về triển khai đồng bộ, quyết liệt các biện pháp nghiệp vụ phòng ngừa, đấu tranh tội phạm hoạt động “tín dụng đen” không cho các đối tượng có điều kiện, khả năng hoạt động trên địa bàn.
 
Theo đó, Công an tỉnh đã tổ chức 58 buổi phát động phong trào toàn dân bảo vệ an ninh trật tự lồng ghép tuyên truyền phương thức, thủ đoạn hoạt động của các nhóm, đối tượng hoạt động “tín dụng đen” cho 8.084 lượt người dân. Đồng thời, chỉ đạo Đoàn Thanh niên Công an tỉnh ra quân các chương trình, hoạt động thiết thực gắn với nhiệm vụ chính trị như: ngày “Thứ bảy tình nguyện”, “Chủ nhật xanh” để tháo gỡ, xóa bỏ quảng cáo, rao vặt trái phép, nhất là các quảng cáo liên quan đến hoạt động cho vay không cần thế chấp, thủ tục đơn giản.
 
Theo thượng tá Nguyễn Văn Quý, người dân không nên giúp các đối tượng hoạt động liên quan đến "tín dụng đen" như: cho thuê địa điểm kinh doanh, lưu trú, môi giới, giới thiệu người dân đến vay ở các cơ sở hoạt động “tín dụng đen”. Khi phát hiện các băng nhóm hoạt động theo kiểu "tín dụng đen" thì kịp thời báo cho cơ quan công an để có biện pháp đấu tranh không để các băng nhóm này tồn tại và phát triển trên địa bàn.
 
Mỗi người dân phải nhận thức được hệ lụy của “tín dụng đen” và thận trọng khi vay tiền, một khi có nhu cầu vay vốn nên đến các cơ sở tín dụng được nhà nước cấp phép; không tham gia vào tệ nạn xã hội, nhất là hoạt động đánh bạc dẫn đến phải đi vay nợ; không nên vay nóng để trả nợ hoặc vay nóng khi mất khả năng kiểm soát nợ. "Đặc biệt, cần đọc kỹ nội dung hợp đồng trước khi làm thủ tục vay và yêu cầu phải lập hai bản ghi nợ để bên cho vay và bên được vay giữ", thượng tá Nguyễn Văn Quý lưu ý.
 
Hoàng Ân
 
 

Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.