"Nóng" tình trạng phá rừng tại Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông
Tình trạng phá rừng để lấn chiếm đất làm nương rẫy đã và đang diễn ra hết sức phức tạp trên lâm phần của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông khiến công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây gặp rất nhiều áp lực.
Theo thống kê của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông, từ đầu năm đến nay, trên lâm phần đơn vị quản lý đã xảy ra 85 vụ phá rừng với tổng diện tích rừng thiệt hại hơn 17 ha. Trong đó, những khu vực rừng giáp ranh với địa phận xã Cư Pui và xã Cư Đrăm (tiểu khu 1149 và tiểu khu 1164) bị tàn phá nặng nề. Chỉ tính riêng ở 2 tiểu khu này đã xảy ra 13 vụ phá rừng, với 3,21 ha rừng bị phá trắng, trong đó có 0,81 ha rừng phòng hộ, 2,4 ha rừng sản xuất.
Một khoảnh rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị chặt phá để lấy đất sản xuất. |
Ngoài ra, việc phá rừng còn diễn ra rải rác ở nhiều tiểu khu khác. Để tránh bị phát hiện, các đối tượng thường phá từng khoảnh nhỏ từ 0,1 - 0,3 ha ở nhiều vị trí khác nhau. Tuy nhiên, cũng có một số vụ, các đối tượng liều lĩnh phá rừng với diện tích lớn. Điển hình là vụ việc xảy ra vào ngày 20-3, lực lượng quản lý bảo vệ rừng của Công ty đã phát hiện tại tiểu khu 1154 có một số đối tượng đang chặt phá rừng. Lực lượng chức năng đã bắt giữ Vừ Thị Khoa (trú thôn Ea Hăn, xã Cư Đrăm, huyện Krông Bông). Tại hiện trường, những cây gỗ lớn bị đốn hạ bằng cưa máy, những cây gỗ nhỏ bị chặt hạ bằng rựa, tổng diện tích rừng bị thiệt hại là 0,55 ha. Công ty đã hoàn thiện hồ sơ gửi cơ quan chức năng điều tra, xử lý.
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông
|
Ông Bùi Quốc Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông cho biết, tình trạng phá rừng làm nương rẫy đã diễn ra trên lâm phần của đơn vị quản lý nhiều năm nay, hình thức chặt phá rừng ngày càng tinh vi. Các đối tượng thường tập trung với số lượng đông, cắt cử người theo dõi lực lượng bảo vệ rừng để báo động khi cần thiết. Việc phá rừng chủ yếu vào ban đêm, phá từng mảnh nhỏ ở nhiều khu vực khác nhau… nên việc bắt quả tang các đối tượng phá rừng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, đối với những diện tích bị người dân chặt phá, lấn chiếm trái phép, ngoài việc lập hồ sơ, chuyển cơ quan chức năng để điều tra xử lý, đơn vị phải cắt cử nhân viên bảo vệ hiện trường, theo dõi để xử lý, ngăn chặn các hành vi đốt dọn thực bì, trồng tỉa trên diện tích rừng bị lấn chiếm.
Trước tình hình phá rừng diễn biến phức tạp, UBND huyện Krông Bông cũng đã thành lập Đoàn liên ngành về triển khai một số biện pháp cấp bách trong quản lý, bảo vệ rừng nhằm tăng cường thêm lực lượng mật phục tại các điểm nóng về phá rừng, khai thác rừng trái pháp luật; truy bắt các đối tượng vi phạm lâm luật; xác định các đối tượng “đầu nậu”, chủ đường dây khai thác, vận chuyển, mua bán gỗ để điều tra, xử lý; tổ chức tuyên truyền về công tác quản lý, bảo vệ rừng đến đông đảo người dân đặc biệt là những thôn, buôn sinh sống gần rừng… Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng ở đây vẫn còn gặp rất nhiều áp lực.
Một khoảnh rừng của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Krông Bông bị chặt phá để lấy đất sản xuất. |
Theo ông Bùi Quốc Tuấn, nguyên nhân dẫn đến việc phá rừng làm nương rẫy ngày một gia tăng là do đời sống của người dân vùng đệm khó khăn, đất đai canh tác cằn cỗi, bạc màu; dân số tăng nhanh, đặc biệt là dân di cư ngoài kế hoạch... Để có đất sản xuất, người dân tìm mọi cách để phá rừng. Chính vì thế, về lâu dài, để ngăn chặn vấn nạn này, ngoài việc tăng cường công tác quản lý bảo vệ rừng thì chính quyền địa phương, các cấp ngành cũng cần chú trọng công tác đào tạo nghề, kết nối tạo việc làm cho người dân; có cơ chế khuyến khích trồng rừng… tạo thêm nguồn thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân.
Vạn Tiếp
Ý kiến bạn đọc