Dịch vụ đưa người đi nhậu về nhà - "Nhất cử lưỡng tiện"
Hiện nay, công an các đơn vị, địa phương trong toàn tỉnh đã và đang triển khai lực lượng tuần tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo Nghị định 100/2019/NĐ-CP của Chính phủ (Nghị định 100); trong đó, chú trọng xử lý đối tượng vi phạm nồng độ cồn. Trước thực tế đó, dịch vụ đưa người đi nhậu về nhà đã xuất hiện...
Bắt đầu từ ngày 1-1-2020, mặc dù mức xử phạt theo Nghị định 100 cao hơn rất nhiều so với trước đây nhưng rất nhiều người sử dụng rượu, bia vẫn tham gia giao thông, khi bị lực lượng chức năng phát hiện, xử lý thì tỏ vẻ ăn năn hối lỗi rồi xin bỏ qua, nếu không được thì có hành vi chống đối người thực thi công vụ.
Nhằm giúp người “mê nhậu” đi đến nơi, về đến chốn mà không bị lực lượng chức năng xử phạt vì vi phạm nồng độ cồn, mới đây, anh Phạm Tuấn Linh (SN 1986, trú phường Tân Lợi) đã tập hợp những tài xế có kinh nghiệm để lập dịch vụ đưa, đón người say xỉn về nhà.
Anh T.T.M (phường Tân Lợi) - người vừa sử dụng dịch vụ cho hay: “Dịp cuối năm, cơ quan có tổ chức tiệc tất niên và do ham vui với đồng nghiệp nên một số người không kiểm soát được mình đã “quá chén”. Đa số anh em nhà đều xa cơ quan nên phải nhờ đến dịch vụ “đưa người say về tận nhà”. Dịch vụ này ra đời rất hữu ích cho chúng tôi bởi cả người lẫn xe được về nhà an toàn mà giá cả cũng rất hợp lý”.
Cảnh sát giao thông kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiện trên đường Trường Chinh. |
Anh Linh cho biết, những tài xế đưa, đón người say xỉn đều đã có bằng lái B2 với nhiều năm kinh nghiệm; có nhân thân lai lịch rõ ràng; nắm rõ đường đi lối lại trên địa bàn TP. Buôn Ma Thuột; không sử dụng chất kích thích, chất có cồn… Giá cả thì tùy vào độ dài quãng đường như: từ 0 - 4 km ban đầu là 20.000 đồng/xe máy và 40.000 đồng/ô tô, sau đó cứ khoảng 4 km thì tăng thêm 20.000 đồng/phương tiện.
Dịch vụ đưa, đón dao động trong vòng bán kính 20 km, với chi phí cao nhất khoảng 50.000 đồng/xe mô tô và 100.000 đồng/ô tô. Khi thực hiện dịch vụ, các tài xế sẽ điều khiển phương tiện chở người say về tận nhà. Để thực khách yên tâm, trong suốt hành trình sẽ có camera giám sát làm bằng chứng nếu xảy ra rủi ro. Với những trường hợp quá say, không còn tỉnh táo thì đội ngũ tài xế phối hợp với chủ quán đưa khách đến một khách sạn, nhà nghỉ gần nhất để nghỉ ngơi hoặc hỗ trợ gọi điện cho người thân đến đón về...
Mặc dù mới thành lập song trung bình mỗi đêm, nhóm của anh Linh cũng đưa từ 20-25 người say rượu về nhà. Hiện khách chưa quen với dịch vụ hay do tâm lý lo sợ “giao xe cho người lạ” nên việc triển khai còn gặp nhiều khó khăn. Anh Linh cho biết: “Chúng tôi làm dịch vụ này nhằm bảo đảm an toàn cho thực khách sau mỗi cuộc vui, giảm bớt nguy cơ gây ra tai nạn giao thông, để khách hàng cảm thấy yên tâm không bị lực lượng cảnh sát giao thông kiểm tra, xử lý khi đã sử dụng rượu, bia vẫn lái xe; đồng thời giúp chúng tôi cải thiện thu nhập khi có việc làm bán thời gian. Thời gian tới, chúng tôi sẽ phối hợp với các quán nhậu, nhà hàng hoặc quán karaoke để khi cần sự giúp đỡ, chủ quán gọi điện và chúng tôi sẽ sẵn sàng phục vụ thực khách”.
Ngoài dịch vụ đưa đón trên, hiện nay nhiều nhà hàng, quán nhậu hoặc quán karaoke cũng mở dịch vụ đưa khách nhậu về tận nhà sau khi ăn uống. Đây được coi là “chiêu” giữ chân khách bởi cuối năm các quán luôn là điểm đến của nhiều cơ quan, đơn vị cho tiệc tất niên.
Đơn cử như quán Thần Tài (đường Lê Thánh Tông) do anh Nguyễn Thanh Nguyên làm chủ đã áp dụng dịch vụ “đưa, đón khách đi và về”. Theo đó, đối với khách đến quán của mình sẽ có ô tô đến tận nơi đón miễn phí và khi về thì trả với giá 50.000 đồng (với quãng đường dưới 3 km); nếu khách đi xe máy đến, quán sẽ có chỗ gửi qua đêm. Đối với khách nhậu ở quán khác, nếu cần dịch vụ thì anh cũng sẵn sàng phục vụ với giá 50.000 đồng/lượt (quãng đường dưới 3 km).
Anh Nguyên chia sẻ: "Là chủ một quán nhậu, tôi luôn muốn khách của mình đi đến nơi về đến chốn. Nhưng hiện nay, với chế tài xử phạt rất cao theo Nghị định mới khiến người dân khi đã sử dụng rượu, bia "tiến thoái lưỡng nan". Bởi vậy, dịch vụ đưa, đón người say về nhà mục đích chính là “giữ chân” thực khách đến với quán chứ không nhằm vào mục đích thương mại”.
Tin rằng, cùng với sự vào cuộc tuyên truyền nâng cao ý thức cho người dân, đi liền với đó là xử nghiêm các trường hợp vi phạm ngay từ những ngày đầu, chắc chắn văn hóa rượu, bia của người Việt nói chung, người dân trong tỉnh nói riêng sẽ thay đổi, từ đó hướng đến văn hóa uống rượu, bia có trách nhiệm, đồng thời giúp kéo giảm tai nạn giao thông trong năm 2020 và những năm tiếp theo.
Theo Phó Chủ tịch Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia Khuất Việt Hùng, thời gian tới sẽ triển khai xây dựng mô hình "Điểm kinh doanh rượu, bia an toàn giao thông" với một số tiêu chí như: phải có địa điểm trông giữ xe qua đêm; có tối thiểu 2 nhân viên có giấy phép lái xe để đưa khách về; nhân viên phải có trách nhiệm tuyên truyền, giới thiệu tới khách hàng về việc không nên lái xe sau khi đã sử dụng rượu, bia... |
Thế Hùng
Ý kiến bạn đọc