Multimedia Đọc Báo in

Huyện Krông Búk: "Nóng" tình trạng trồng cây cần sa trong đất rẫy

08:40, 15/07/2020

Mặc dù Công an huyện Krông Búk đã phát hiện, xử lý kịp thời nhiều đối tượng vi phạm nhưng hiện nay tình trạng trồng cây cần sa trái phép tại địa phương vẫn diễn ra phức tạp. Chỉ từ tháng 11-2019 đến nay, Công an huyện đã phá 3 vụ trồng cần sa trên đất rẫy của người dân; tiến hành nhổ, tiêu hủy gần 900 cây cần sa. 

Để che mắt lực lượng chức năng và tránh bị người dân sinh sống xung quanh phát hiện, các đối tượng thường trồng cần sa ở những nơi xa xôi, hẻo lánh hoặc chia thành từng đám nhỏ, trồng xen trong rẫy cà phê. Đơn cử vào ngày 23-6, Công an huyện đã phát hiện trong vườn cà phê của ông Bùi Trung Kiên (ở buôn Cư Juốt, xã Cư Pơng) có trồng 539 cây cần sa. Ông Kiên khai nhận vào cuối năm 2019, một người làm thuê cho ông từ Quảng Ngãi vào (không rõ nhân thân, lai lịch) đã cho ông hạt giống trồng với mục đích phục vụ chăn nuôi gia cầm. Ngày 9-6, Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện Krông Búk) cũng đã phát hiện vườn cà phê nhà ông Nguyễn Văn Minh và ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Ea Siết, xã Cư Né (hộ khẩu thường trú ở thôn 3, xã Ea Tiêu, huyện Cư Kuin) có trồng khoảng 250 cây cần sa. Trước đó, ngày 21-11-2019 Công an huyện tiến hành tiêu hủy 104 cây cần sa, cao từ 40 - 50 cm và 13 cây cần sa khô đã bị nhổ, cắt ngọn trong vườn cà phê của ông Trần Văn Toàn ở thôn Ea Klang (xã Ea Sin).

Công an huyện Krông Búk nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép tại vườn ông Bùi Trung Kiên (xã Cư Pơng).
Công an huyện Krông Búk nhổ bỏ cây cần sa trồng trái phép tại vườn ông Bùi Trung Kiên (xã Cư Pơng).
 

Trước khi gieo trồng một loại cây lạ nào thì người dân phải cần nâng cao cảnh giác, tìm hiểu kỹ, tránh bị kẻ xấu lợi dụng, rồi vô tình vi phạm pháp luật”.

 
Thiếu tá Lê Văn Thanh, Phó Trưởng Công an huyện Krông Búk

Đại úy Lê Minh Cảnh, Đội trưởng Đội Cảnh sát Điều tra tội phạm về kinh tế và ma túy (Công an huyện Krông Búk) cho biết, các đối tượng trồng cần sa khi bị phát hiện đều khai nhận không biết đó là cây cần sa, do nghe người ta nói trồng cây này cho heo, gà ăn mau lớn nên mua hạt giống trồng. Tuy nhiên, trong quá trình điều tra các vụ việc cho thấy, một số đối tượng không phải do thiếu hiểu biết về pháp luật, mà vì lợi nhuận trồng cây cần sa quá cao nên cố tình trồng để kiếm lời, núp bóng dưới mục đích là chữa bệnh hoặc cho vật nuôi ăn. Cũng theo Đại úy Cảnh, cây cần sa đứng riêng rất dễ nhận dạng, lá cây có hình răng cưa, mọc thẳng đứng phân nhiều tầng, trổ bông li ti màu tím đậm; tuy nhiên khi cây cần sa được trồng trong vườn, xen kẽ các loại cây khác thì rất dễ lầm là cây cỏ hoang.

Công an huyện Krông Búk thu giữ cây cần sa trồng trái phép.
Công an huyện Krông Búk thu giữ cây cần sa trồng trái phép.

Nhằm phát hiện và ngăn chặn loại hình tội phạm này, Công an huyện Krông Búk chỉ đạo công an cấp xã tiến hành rà soát trên địa bàn, đặc biệt là  trên các nương rẫy xa khu dân cư, khu vực giáp ranh; phối hợp chặt chẽ với các cơ quan ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến đông đảo người dân, các cấp chính quyền cơ sở để nhận dạng được cây cần sa và các loại cây chứa chất gây nghiện khác. Bên cạnh đó, cán bộ chính quyền, công an cơ sở cũng phải chú ý đến những vườn cây lạ, vườn cây thuốc, thậm chí là các căn nhà bỏ hoang.

Như Quỳnh


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.