Multimedia Đọc Báo in

Cần sớm đưa công trình cấp nước tập trung xã Ea Rốk vào hoạt động

08:49, 30/10/2020

Ea Rốk là xã vùng sâu của huyện Ea Súp và cũng là vùng trũng nhất huyện. Mùa mưa thường bị ngập lụt trước các nơi khác, nhưng mùa khô lại hay bị hạn.

Khó khăn lớn nhất đối với người dân trong xã là thiếu nguồn nước sạch để ăn uống, sinh hoạt. Bởi nước từ giếng đào chỉ có được vào mùa mưa, nhưng mùa mưa địa phương hay ngập lụt nên nguồn nước bị ô nhiễm. Nguồn nước từ giếng khoan bị nhiễm phèn và cặn vôi nên chỉ dùng để sinh hoạt; người dân vẫn phải mua nước đóng bình để ăn, uống.

Năm 2007, xã Ea Rốk được Nhà nước đầu tư công trình nước sạch tập trung tại thôn 9 nhằm phục vụ cấp nước sinh hoạt cho khoảng 600 hộ dân trong xã, với tổng vốn đầu tư 7,7 tỷ đồng. Tuy nhiên sau khi khánh thành đưa vào sử dụng không lâu, công trình lại “đắp chiếu” không hoạt động. Ông Đinh Xuân Đồng, Chủ tịch UBND xã Ea Rốk cho biết, nguyên nhân khiến công trình không hoạt động là do người vận hành không được đào tạo về chuyên môn; công tác quản lý của địa phương yếu kém…

Bên cạnh đó, do tác động của các phương tiện giao thông nên đường ống dẫn nước bị vỡ; máy bơm cháy không được khắc phục, sửa chữa kịp thời; cộng thêm giếng khoan cạn hết nước do sai sót trong khảo sát… dẫn đến công trình liên tục ngưng hoạt động. Chưa kể, người dân cũng không mặn mà ký hợp đồng mua nước, thậm chí nợ tiền nước kéo dài khiến thu không đủ chi. Công trình không hoạt động làm cho máy móc, thiết bị xuống cấp, không thể sửa chữa để phục hồi vận hành.

 

Công trình cấp nước tập trung xã Ea Rốk.
Công trình cấp nước tập trung xã Ea Rốk.

 

Cuối năm 2018, tỉnh đã bố trí trên 14,8 tỷ đồng để khôi phục lại hoạt động cho công trình cấp nước sinh hoạt nói trên (theo Quyết định số 3001a/QĐ-UBND, ngày 30-10-2017 của UBND tỉnh). Công trình do Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng của huyện Ea Súp làm chủ đầu tư, đơn vị thi công là Công ty TNHH MTV Xây dựng Thiên Anh (TP. Buôn Ma Thuột). Theo dự kiến ban đầu, công trình sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng cuối năm 2020. Quy mô đầu tư của dự án là cung cấp nước sinh hoạt cho khoảng 725 hộ dân của 9/18 thôn thuộc xã Ea Rốk.

Các hạng mục bao gồm: sửa chữa, nâng cấp đài nước, khu xử lý nước - nhà quản lý vận hành, kho hóa chất; khoan sâu thêm 3 giếng cũ, mỗi giếng 20 m; khoan 2 giếng mới sâu 100 – 120 m; xây bể chứa nước sạch dung tích 100 m3, thiết bị điện giếng khoan, 5 bộ máy bơm chìm, 2 máy bơm nước sạch lên bể chứa, 1 hệ thống xử lý nước, 1 hệ thống điện lưới; hoàn thiện mạng lưới đường ống và đấu nối đến hộ dân, tổng chiều dài khoảng 26 km… Tổng mức đầu tư dự án là hơn 14,8 tỷ đồng, trong đó chi phí xây dựng hơn 9 tỷ đồng, chi phí thiết bị gần 2,6 tỷ đồng, chi phí tư vấn đầu tư xây dựng hơn 900 triệu đồng.

Ông Trần Ngọc Hoàng, Phó Giám đốc phụ trách Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng huyện Ea Súp, đại diện chủ đầu tư dự án, cho rằng phải rút được bài học trong quá khứ thì công trình mới phát huy hiệu quả và tránh lãng phí nguồn vốn của Nhà nước. “Điều chúng tôi lo lắng nhất hiện nay là việc quản lý vận hành công trình sau khi hoàn thành”, ông Trần Ngọc Hoàng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Tùng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Xây dựng Thiên Anh, quá trình thi công, vận hành thử và kiểm định chất lượng nước có sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị liên quan: Chủ đầu tư, Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh, nhà thầu thi công... Bước đầu cho thấy các chỉ số đều đạt ngưỡng cho phép theo quy chuẩn chất lượng nước sinh hoạt. Sau khi hoàn thành, chủ đầu tư sẽ bàn giao công trình cho Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh tổ chức vận hành, khai thác sử dụng.

 

Người dân xã Ea Rốk phải mua nước bình để nấu ăn.
Người dân xã Ea Rốk phải mua nước bình để nấu ăn.

 

Trong khi đó, ông Phạm Ngọc Bình, Phó Giám đốc Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh cho biết, đơn vị đã được phân cấp quản lý vận hành khai thác sử dụng các công trình nước sạch nông thôn tập trung trên địa bàn tỉnh. Vì vậy trong quá trình thi công công trình tại thôn 9, xã Ea Rốk, đơn vị đã bám sát và phối hợp theo chức năng để bảo đảm sau này công trình vận hành suôn sẻ. Hiện tại đơn vị đã chuẩn bị nhân lực, cho đi đào tạo các chuyên ngành nước, điện, xây dựng… để bảo đảm vận hành công trình hiệu quả cả về kỹ thuật lẫn chi phí. Hiện tại Trung tâm đang quản lý vận hành hiệu quả trên 30 công trình, trong đó có một số đã có lãi. Với phương châm “lấy lãi bù lỗ”, Trung tâm sẽ cố gắng bảo đảm tất cả các công trình đang quản lý được vận hành liên tục, không bị gián đoạn để giữ uy tín với người dân sử dụng nước.

Hy vọng công trình cấp nước sinh hoạt tập trung xã Ea Rốk, huyện Ea Súp sẽ sớm đi vào hoạt động có hiệu quả, giải quyết được nhu cầu khó khăn về nguồn nước, giúp người dân trên địa bàn xã giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Thanh Nga


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.