Multimedia Đọc Báo in

Phía sau những cung đường (Kỳ 2)

06:24, 03/03/2021

Kỳ II: Hướng đến mục tiêu không có người tử vong do tai nạn giao thông

Tai nạn giao thông (TNGT) đang là hiểm họa, trở thành mối lo trên toàn thế giới. Hằng năm Chính phủ các nước phải quan tâm và hành động quyết liệt nhằm kéo giảm TNGT ở mức thấp nhất, trong đó mục tiêu giảm tỷ lệ tử vong luôn được đặt lên hàng đầu. 

Từ những con số

Mới đây, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) Quốc gia tổ chức Hội nghị tổng kết 5 năm (2016 - 2020) thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT. Theo thống kê, giai đoạn này, cả nước xảy ra 94.024 vụ TNGT, làm chết 39.917 người, bị thương 77.477 người. So với cùng kỳ 5 năm trước (2011 - 2015) TNGT giảm 70.085 vụ (giảm hơn 42,7%), giảm 9.372 người chết (giảm hơn 19%) và giảm 90.628 người bị thương (giảm gần 54%). Tại Đắk Lắk, giai đoạn 2016 – 2020 xảy ra 2.023 vụ TNGT, làm chết 1.201 người, bị thương 1.641 người. So với cùng kỳ 5 năm trước giảm 792 vụ (giảm hơn 28,1%), giảm 200 người chết (giảm gần 4,3%) và giảm 1.503 người bị thương (giảm hơn 47,8%). Con số này cho thấy, trong 5 năm qua, TNGT giảm sâu, vượt xa mục tiêu đề ra (hằng năm phấn đấu giảm từ 5 - 10% về số vụ, số người chết và người bị thương do TNGT).

Tuy nhiên, tỷ lệ thương vong do TNGT vẫn ở mức cao. Theo thống kê mỗi năm trên thế giới có khoảng 1,3 triệu người chết và 50 triệu người bị thương do TNGT. TNGT đang là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong đối với lứa tuổi từ 15 - 27. Tại Việt Nam trong những năm qua, TNGT được kiềm chế và kéo giảm về số vụ, số người chết và số người bị thương. Tuy nhiên, mỗi năm vẫn có gần 8.000 người bị cướp đi sinh mạng do TNGT, gần 20.000 người bị thương tật suốt đời. Con số đó cho thấy, TNGT để lại những hệ lụy rất lớn cho mỗi gia đình và toàn xã hội.

Đến những giải pháp

Theo đánh giá của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban ATGT Quốc gia Trương Hòa Bình tại Hội nghị tổng kết 5 năm thực hiện phong trào thi đua bảo đảm trật tự ATGT giai đoạn 2016 - 2020, giai đoạn này công tác bảo đảm trật tự ATGT chuyển biến mạnh mẽ, ý thức tự giác chấp hành pháp luật của người dân có nhiều thay đổi, trách nhiệm của lực lượng thực thi công vụ được nâng cao. Nhờ đó, nhiều địa phương có tỷ lệ người tử vong do TNGT giảm sâu, góp phần cùng Chính phủ thực hiện mục tiêu giảm ba tiêu chí về số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT trong giai đoạn 2016 - 2020. Tiêu biểu như tỉnh Bạc Liêu số người chết do TNGT giai đoạn 2016 – 2020 giảm 60,5%; Tây Ninh giảm 53,1%; Long An giảm 52,8%; TP. Đà Nẵng giảm 46,5% so với giai đoạn 2011 - 2015...

Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho người dân.
Cán bộ Phòng CSGT Công an tỉnh tặng mũ bảo hiểm cho người dân.

Phát huy những kết quả đạt được trong những năm trước, tại Quyết định số 2060/QĐ-TTg, ngày 12-12-2020, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chiến lược quốc gia về bảo đảm trật tự ATGT đường bộ giai đoạn 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2045, trong đó hướng tới mục tiêu không có người tử vong do TNGT. Quyết định nêu rõ, bảo đảm trật tự ATGT đường bộ là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, của toàn xã hội, trước hết là của các cơ quan quản lý nhà nước có chức năng và của người tham gia giao thông. Mục tiêu tổng quát là hằng năm giảm 5 - 10% số người chết và bị thương do TNGT đường bộ một cách bền vững, tiến tới xây dựng một xã hội có hệ thống giao thông an toàn, thông suốt, thuận tiện, hiệu quả và thân thiện môi trường.

Để thực hiện tốt các mục tiêu đặt ra, Chính phủ đưa ra những nhiệm vụ, giải pháp, trong đó ưu tiên triển khai đồng bộ 5 trụ cột về ATGT đường bộ gồm: Xây dựng, hoàn thiện thể chế và chính sách pháp luật về ATGT; phát triển kết cấu hạ tầng giao thông và tổ chức giao thông hiện đại, an toàn, thông suốt, thân thiện; ứng dụng các công nghệ về an toàn trong sản xuất, lắp ráp, kiểm định phương tiện cơ giới đường bộ, nhằm nâng cao điều kiện an toàn cho phương tiện khi tham gia giao thông; tập trung tuyên truyền, giáo dục kiến thức, kỹ năng tham gia giao thông an toàn kết hợp với công tác xử lý vi phạm trong lĩnh vực giao thông đường bộ; xây dựng hệ thống cứu hộ, cứu nạn và cấp cứu y tế TNGT trong phạm vi cả nước, kết hợp phát triển mạng lưới thông tin liên lạc hiện đại nhằm ứng phó kịp thời khi xảy ra TNGT.

Không phải bây giờ, mà từ nhiều năm nay, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, tổ chức đoàn thể, cá nhân trên phạm vi cả nước đã và đang chung tay, góp sức thực hiện nhiều giải pháp bảo đảm trật tự ATGT nhằm kéo giảm thấp nhất số vụ, số người chết và số người bị thương do TNGT. Tuy nhiên, để TNGT hằng năm giảm một cách bền vững, vấn đề cốt lõi vẫn là ý thức tham gia giao thông của mỗi người, việc nghiêm chỉnh chấp hành các quy định khi tham gia giao thông của mỗi cá nhân sẽ góp phần rất lớn trong việc hạn chế xảy ra va chạm, TNGT trên mỗi tuyến đường.

Giai đoạn 2021 - 2025, Ủy ban An toàn giao thông (ATGT) quốc gia đề nghị các bộ, ngành, địa phương tiếp tục thực hiện Năm ATGT hằng năm theo chủ đề phù hợp, với mục tiêu "Tính mạng con người là trên hết". Trong đó, Kế hoạch Năm ATGT 2021 sẽ thực hiện chủ đề "Nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật bảo đảm trật tự ATGT" trên phạm vi cả nước.


Hoàng Tuyết


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.