Multimedia Đọc Báo in

Một số quy định về danh sách cử tri

16:20, 17/04/2021

(Tiếp theo)

Câu 4. Việc niêm yết danh sách cử tri được thực hiện như thế nào?

Theo Điều 32 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân thì chậm nhất là 40 ngày trước ngày bầu cử, cơ quan lập danh sách cử tri niêm yết danh sách cử tri tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và tại những địa điểm công cộng của khu vực bỏ phiếu, đồng thời thông báo rộng rãi danh sách cử tri và việc niêm yết để nhân dân kiểm tra.

Tại Đắk Lắk, theo Kế hoạch số 05/KH-UBBC ngày 9-2-2021 của Ủy ban bầu cử tỉnh về triển khai công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp tỉnh Đắk Lắk nhiệm kỳ 2021 - 2026 thì chậm nhất là ngày 13-4-2021 phải niêm yết danh sách cử tri (chậm nhất 40 ngày trước ngày bầu cử).

Câu 5. Pháp luật quy định như thế nào việc khiếu nại và giải quyết khiếu nại về danh sách cử tri?

Theo Điều 33 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, việc khiếu nại về danh sách cử tri được quy định như sau:

Khi kiểm tra danh sách cử tri, nếu phát hiện có sai sót thì trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày niêm yết, công dân có quyền khiếu nại với cơ quan lập danh sách cử tri. Cơ quan lập danh sách cử tri phải ghi vào sổ những khiếu nại đó. Trong thời hạn 5 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, cơ quan lập danh sách cử tri phải giải quyết và thông báo cho người khiếu nại biết kết quả giải quyết.

Trường hợp người khiếu nại không đồng ý về kết quả giải quyết khiếu nại hoặc hết thời hạn giải quyết mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án nhân dân theo quy định của pháp luật về tố tụng hành chính.

Tại điểm c khoản 2 Điều 116 Luật Tố tụng hành chính có quy định thời hiệu khởi kiện trong trường hợp này tính từ ngày nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri hoặc kết thúc thời hạn giải quyết khiếu nại mà không nhận được thông báo kết quả giải quyết khiếu nại của cơ quan lập danh sách cử tri đến trước ngày bầu cử 5 ngày.

Câu 6. Những người đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì thực hiện quyền bầu cử như thế nào?

Theo Điều 34 Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân quy định: từ khi niêm yết danh sách cử tri cho đến ngày bầu cử, nếu cử tri nào vì đi nơi khác, không thể tham gia bỏ phiếu ở nơi đã được ghi tên vào danh sách cử tri thì có quyền xin giấy chứng nhận của Ủy ban nhân dân cấp xã nơi mình, đã có tên trong danh sách cử tri để được bổ sung tên vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu bầu đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh ở nơi mình có thể tham gia bỏ phiếu. Khi cấp giấy chứng nhận, Ủy ban nhân dân cấp xã phải ghi ngay vào danh sách cử tri tại khu vực bỏ phiếu thuộc địa phương mình bên cạnh tên cử tri cụm từ “Bỏ phiếu ở nơi khác”.

Tại điểm đ khoản 4 Điều 10 Thông tư số 01/2021/TT-BNV ngày 11-1-2021 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ hướng dẫn nghiệp vụ công tác tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026 có quy định như sau:

 Khi cử tri có thẻ cử tri và giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác do Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú hoặc do chỉ huy đơn vị vũ trang nhân dân cấp đề nghị thì tên của cử tri đó được bổ sung vào danh sách cử tri và tham gia bỏ phiếu ở khu vực bỏ phiếu của xã nơi được ghi trong giấy chứng nhận thì tổ bầu cử phải hướng dẫn người đó đến trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã ghi trong giấy chứng nhận để bổ sung vào danh sách cử tri. Danh sách cử tri bổ sung phải xác định rõ những người này được bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh. Sau khi có danh sách cử tri bổ sung do Ủy ban nhân dân cấp xã xác nhận, tổ bầu cử mới được phát phiếu bầu cho những cử tri này; khi những cử tri này đã bỏ phiếu xong thì tổ bầu cử phải đóng dấu “Đã bỏ phiếu” lên thẻ cử tri và giấy chứng nhận đi bỏ phiếu nơi khác. Tổ bầu cử phải ghi danh sách cử tri bổ sung để theo dõi riêng và tổng hợp số liệu sau khi kết thúc việc bỏ phiếu.

 Nguyễn Thanh Bình

 (Sở Tư pháp)

 

 


Ý kiến bạn đọc