Multimedia Đọc Báo in

Trạm trưởng kiểm lâm "nhận hối lộ" để lâm tặc phá rừng

14:28, 22/07/2021

Ngày 22-7, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Công an tỉnh đã khởi tố, bắt tạm giam Hoàng Công Ý (SN 1974), Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3 thuộc Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô về tội “Nhận hối lộ”.

Đồng thời, Cơ quan Cảnh sát điều tra cũng khởi tố Lê Mô Y Cum (SN 1984, trú xã Ea Ly, huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Đưa hối lộ”; trước đó, đối tượng này đã bị khởi tố về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”.

Cán bộ Công an đọc lệnh bắt đối tượng Hoàng Công Ý.
Cán bộ Công an đọc lệnh bắt đối tượng Hoàng Công Ý.

Theo điều tra ban đầu, trong hai ngày 15-9-2020 và 19-11-2020, Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Ea Sô (BTTN Ea Sô) tại huyện Ea Kar ban hành 2 quyết định về việc phối hợp tuần tra truy quét các đối tượng xâm hại đến rừng tại các tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa khu BTTN Ea Sô với huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên. Theo đó, Ban quản lý khu BTTN Ea Sô phân công ông Hoàng Công Ý, Trạm trưởng Trạm kiểm lâm số 3 làm Tổ trưởng tổ truy các cá nhân, tổ chức xâm hại đến rừng tại các khu vực nói trên.

Tuy nhiên, lợi dụng việc được phân công làm tổ trưởng, trong 2 đợt truy quét ở tiểu khu 623, 630 và vùng giáp ranh giữa khu BTTN Ea Sô với huyện Sông Hinh (tỉnh Phú Yên), ông Ý đã thỏa thuận cho nhóm của Lê Mô Y Cum vào tiểu khu 618, 622 khu BTTN Ea Sô khai thác gỗ căm xe và nhận tổng số tiền 35 triệu đồng từ nhóm này.

Liên quan đến vụ phá rừng quy mô lớn này, vào cuối tháng 4-2021 Công an huyện Ea Kar đã khởi tố 37 bị can (tất cả các bị can đều trú huyện Sông Hinh, tỉnh Phú Yên) về tội “Vi phạm quy định về khai thác, bảo vệ rừng và lâm sản”. Trong đó, bắt tạm giam 18 bị can, 19 bị can bị cấm đi khỏi nơi cư trú.

                                                               Võ Trường

 

 


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.