Multimedia Đọc Báo in

Trả lại kỳ nghỉ hè hồn nhiên cho trẻ em

09:39, 21/07/2010
Nghỉ hè là dịp tốt nhất để học sinh vui chơi, giải trí sau gần một năm miệt mài đèn sách. Song, thực tế không phải vậy, tuổi thơ các em đang bị không ít những áp lực do phụ huynh đặt ra…
Bị... học thêm!
Khi bước vào kỳ nghỉ hè, nhiều bậc phụ huynh, nhất là ở TP. Buôn Ma Thuột đã nghĩ ngay đến việc cho con em mình đi học thêm. Có phụ huynh còn đến tận nhà thầy cô trước cả tháng để đặt chỗ cho con học thêm, lại có phụ huynh hễ nghe chỗ nào thầy cô dạy hay là vội tìm đến để xin cho con học hè. Không cho con học thêm các môn văn hóa thì cũng ép học năng khiếu, múa, nhạc, họa, yoga... Chưa biết sẽ mang lại hiệu quả như thế nào, nhưng đã có không ít phụ huynh nhìn thấy con mình phờ phạc, ốm yếu vì học thêm cũng xót, song, do tâm lý sợ con cái thua sút bạn bè nên cứ để cho đi học. Chị Kim Ngân, nhà ở đường Lê Duẩn, có con trai chuẩn bị bước vào lớp 5 tâm sự, Thấy con đi học về cứ kêu mệt thương lắm, nhưng không thể cho nghỉ được, vì mấy nhà hàng xóm cũng đều cho con đi học thêm cả. Để cháu ở nhà lỡ vào năm học mới nó thua bạn bè thì khổ! Đó không chỉ là suy nghĩ của riêng chị Ngân mà còn là trăn trở của rất nhiều phụ huynh có con đang độ tuổi đến trường. Chuyện dạy thêm, học thêm không chỉ diễn ra ở thành phố mà ngay ở nông thôn, các huyện xa, dù mới đầu mùa hè, nhưng không khí dạy, học thêm cũng rất sôi động. Tại Trường Tiểu học Nguyễn Bá Ngọc, thị trấn Ea Súp, mỗi dịp hè thường tổ chức từ 10-12 lớp học thêm cho các em từ lớp 1 đến lớp 5. Cô Bùi Thị Kim Dung, Hiệu trưởng trường này cho biết, ngoài các lớp học thêm trên trường, nhiều giáo viên còn tổ chức dạy tại nhà. Theo cô Dung, việc dạy thêm cho học sinh là nhằm ôn lại kiến thức đã học và bổ sung những kiến thức mới, giúp các em học tốt hơn trong năm học mới. Song, chính việc dạy thêm càng làm cho thời gian nghỉ hè của học sinh vốn đã ngắn lại thêm phần áp lực, mệt mỏi, vì phải học triền miên.
Mùa theo mẹ lên nương
Không có điều kiện để “bị” đi học thêm như các bạn nhỏ ở thành thị, trẻ em nông thôn, đặc biệt là các xã vùng sâu, vùng xa, nghỉ hè cũng là dịp các em phải lao vào công việc nhà nông cùng gia đình từ trông nom em bé ở nhà đến theo mẹ lên nương, tự ra rẫy làm lụng, chăn bò…
Những trẻ thơ đã phải sớm làm quen với những công việc nặng nhọc cùng mẹ
Những trẻ thơ đã phải sớm làm quen với những công việc nặng nhọc cùng mẹ
Nhiều em còn rất bé, đã trở thành lao động chính trong gia đình, thay bố mẹ cáng đáng việc đồng áng, nương rẫy kể cả hoàn, đổi công cho bà con trong buôn. Nhiều gia đình không đủ đất đai canh tác, mùa hè các em lại đi làm thuê, cuốc mướn, hay lấy củi, bẫy chim bán kiếm chút tiền phụ giúp gia đình. Em H’Linh, học sinh lớp 4, Trường Tiểu học Lê Văn Tám (xã Ia Lơi, huyện Ea Súp) hè nào cũng phải cặm cụi theo mẹ lên rẫy trồng bắp, sắn, thỉnh thoảng còn phải đi làm đổi công cho hàng xóm, em nói: “Chỉ buổi tối em mới học thôi, đến sáng khi mặt trời chưa thức dậy em đã phải lên rẫy rồi”. Tại xã Yang Mao (huyện Krông Bông), em Hà Văn Sình, dân tộc Tày thì phải chăn bò như nhiều bạn khác trong xã. Gia đình Sình làm nông lại có đến 6 anh chị em, nên rất vất vả, thường khi một buổi đi học, buổi em phải đi chăn bò của nhà mình và chăn thuê cho nhà khác, đến kỳ nghỉ hè em cũng ngày hai buổi làm đồng. Năm nay em lên lớp 7, dù hoàn cảnh gia đình khó khăn, nhưng rất ham học. Sình cho biết, mùa nào thức nấy, tranh thủ lúc chăn bò, em thường cùng đám bạn đi mót đậu, cà phê, bắp… ở những rẫy người ta đã thu hoạch rồi, đem về bán lấy tiền mua sách vở học. Do điều kiện kinh tế khó khăn, nên đến hè, phần lớn trẻ em ở nông thôn phải làm việc gấp đôi, thậm chí gấp 3. Không có thời gian cho các em nghỉ ngơi nói gì đến vui chơi, giải trí, khiến nhiều em, nhất là các em dân tộc thiểu số sau kỳ nghỉ hè quen theo bố mẹ vào rẫy nên không muốn trở lại trường học nữa.

Hè là dịp để học sinh được nghỉ ngơi, vui chơi giải trí, và dường như đó là một phần thưởng mà các em rất mong đợi. Song, qua thực trạng nói trên, các bậc phụ huynh cũng nên tạo mọi điều kiện cho con em mình có những mùa hè thực sự ý nghĩa, với những ký ức tuổi thơ đẹp cho hành trang vào đời. Bởi, qua vui chơi, ở lứa tuổi hồn nhiên, các em còn có thể tự khám phá, trải nghiệm theo cách riêng của mình và phát triển những kỹ năng sống đẹp mà không có trường lớp nào trang bị được.
Lê Thành

Ý kiến bạn đọc