Tập luyện thói quen tư duy cho trẻ em
09:57, 14/08/2010
Trẻ em thông minh, không chỉ do tư chất bẩm sinh hoặc sự giáo dục của nhà trường, xã hội mà còn ảnh hưởng rất lớn từ cách chăm sóc, dạy dỗ và định hướng của gia đình.
Hãy đảm bảo cho trẻ được phát triển một cách toàn diện. (Ảnh: T.L) |
-Xác định niềm tin của chính chúng ta vào việc hướng dẫn trẻ em. Bạn có tin trẻ em thông minh hơn không, bạn có tin bạn có một tác động nào đó gây hiệu quả không?
-Bạn hãy làm ngay kẻo muộn. Từ dễ đến khó, tùy theo trình độ, lứa tuổi, sức khỏe, đặt ra các vấn đề cho trẻ em suy nghĩ, nêu các câu hỏi, bày ra các sự việc có mâu thuẫn, các sự việc khó xử trí…
-Hướng dẫn trẻ em và cùng chúng tiếp cận các đề tài tác động mạnh đến tư duy: xem truyền hình, nghe đài, đọc sách báo, xem triển lãm, xem bảo tàng; sau đó hỏi, đáp, tranh luận…
-Cuốn hút cả gia đình vào sinh hoạt tư duy. Trao đổi ý kiến sau khi đọc sách, xem phim, xem biểu diễn nghệ thuật, xem truyền hình, xem triển lãm hoặc sau một cuộc đi chơi, tiếp xúc với ai đó. Cuộc trao đổi ý kiến bên bàn ăn, trong một dịp đi píc-níc là những dịp quá tốt.
-Thay đổi các câu hỏi, các câu trả lời để đầu óc trẻ em luôn luôn ở trạng thái hoạt động, luôn luôn có niềm tin bên cạnh sự nghi hoặc cần thiết, tạo ra trạng thái luôn luôn chưa tự thỏa mãn về khả năng tự suy luận của bản thân.
-Giúp trẻ em xác lập mối liên hệ tất yếu hoặc ngẫu nhiên giữa các sự việc, dẫu những sự việc đó không cùng một “kênh” hoặc khác xa nhau.
-Gợi mở các ý tưởng, khuyến khích sự tò mò tìm hiểu, khuyến khích thái độ hiếu thắng khi trẻ em sắp đạt được điều chúng khao khát.
-Tạo cho trẻ em thường xuyên có ý nghĩ không bằng lòng với một nhận xét duy nhất.
-Tạo cho trẻ em đặt mình vào vị trí người khác, đặt mình vào những tình huống đặc biệt mà chúng chưa hề nếm trải.
-Rèn luyện năng lực viết cho trẻ em: viết văn, viết nhật ký, ghi chép vặt, viết thư…
-Tạo cho trẻ em năng lực đặt ngược vấn đề, hỏi ngược, giải đáp ngược với mục đích tìm ra chân lý một cách không giản đơn.
-Khuyên dạy và tạo cho trẻ em đức kiên trì, bình tĩnh, nhẫn nhục.
-Hướng dẫn trẻ em nghĩ về dòng chảy thời gian của đời người: Mình đã làm những gì, đã có điều chi xảy ra? Ngày mai điều gì sẽ đến? Mình phải làm điều gì tốt đẹp cho mình và cho những người thân?
-Hướng dẫn và rèn luyện cho trẻ em thói quen so sánh: so sánh tác phẩm nghệ thuật này với tác phẩm nghệ thuật kia; vấn đề này với vấn đề khác; so sánh ngày hôm nay với ngày hôm qua…
-Đòi hỏi khắt khe ở trẻ em đầu óc và bàn tay tự lập, tránh lệ thuộc.
Phạm Đình Ân
Ý kiến bạn đọc