Multimedia Đọc Báo in

Các xã vùng 3 vào năm học mới

08:49, 05/09/2011

Vượt qua những khó khăn về giao thông, cơ sở vật chất, trang thiết bị, học sinh ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh chào đón năm học mới 2011-2012 với nhiều niềm vui. Không chỉ có sự chăm lo của gia đình, các em còn nhận được sự quan tâm của toàn xã hội để xây dựng môi trường học tập tốt, góp phần rút ngắn khoảng cách về chất lượng giáo dục giữa khu vực thành thị và nông thôn.

Ảnh bên: Học sinh Trường TH Lương Thế Vinh (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn)  trong giờ thực hành tin học. Ảnh: N.H
Học sinh Trường TH Lương Thế Vinh (xã Ea Wer, huyện Buôn Đôn) trong giờ thực hành tin học. (Ảnh: N.H)
Bảo đảm chỗ ở nội trú cho học sinh
Trên 1.000 học sinh các cấp của xã Ea Kuêh (xã đặc biệt khó khăn duy nhất của huyện Cư M’gar) đã bước vào năm học mới 2011-2012 từ ngày 15-8 theo quy định của ngành. Năm học này, 3 trường: Mẫu giáo buôn Wing, Tiểu học (TH)  Bế Văn Đàn và THCS Trần Quang Diệu của xã nhận được sự chăm lo đặc biệt của toàn xã hội. Thầy Phan Hữu Xá, Hiệu trưởng Trường THCS Trần Quang Diệu hồ hởi nói: “Nỗi lo canh cánh bao năm nay của chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường về tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng đã được tháo gỡ, khi cuối năm 2010, “Nhà bán trú dân nuôi” cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn đã hoàn thành và đưa vào sử dụng tại buôn Jun (xã Ea Kuêh). Công trình gồm 4 phòng ở (20m2/phòng), 2 phòng vệ sinh, tổng diện tích 155 m2, với trị giá gần 200 triệu đồng. Kinh phí xây dựng này do Tỉnh Đoàn vận động đoàn viên thanh niên ủng hộ 150 triệu đồng, Tổng Công ty Viễn thông Quân đội Viettel-Chi nhánh tại Dak Lak ủng hộ 50 triệu đồng, UBND huyện Cư M’gar ủng hộ 24 chiếc giường, UBND xã Ea Kuêh ủng hộ mái tôn và ngày công. Ngay đầu năm học, nhà trường đã bố trí cho 16 học sinh của buôn Xê Đăng (cách xa trường 12 km) ở nội trú. Rất mừng, có những học sinh năm học trước đã bỏ học do nhà ở cách xa trường đã đi học trở lại khi có chỗ ở ổn định ”.

Ngoài việc củng cố cơ sở vật chất, mở thêm lớp học,  bố trí giáo viên tham  gia các lớp bồi dưỡng chính trị, nghiệp vụ, ngay từ đầu hè, chính quyền địa phương đã chỉ đạo các trường làm tốt công tác tuyên truyền nhằm huy động sức mạnh của toàn dân chăm lo cho năm học mới; đồng thời lập danh sách học sinh được thụ hưởng các chính sách ưu đãi của Đảng và Nhà nước. Nhờ đó, 100% học sinh trong xã đã được nhận đủ sách giáo khoa và vở viết theo Nghị định 49 của Chính phủ về miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập. Cô Vi Thị Bằng, Hiệu trưởng Trường Mẫu giáo Buôn Wing chia sẻ: “Mặc dù đời sống còn nhiều khó khăn nhưng người dân rất chăm lo đến việc học của các cháu. Phụ huynh sẵn sàng đóng góp ngày công phụ giúp phát quang bụi rậm, cọ rửa bàn ghế, vôi ve trường và trang trí lớp học sẵn sàng đón các cháu vào học. Không chỉ vậy, phụ huynh còn đóng góp tiền cùng nhà trường bê tông hóa trên 400m2 sân trường. Một niềm vui lớn đến với các cháu là nhà trường được Phòng GD-ĐT trang bị một bộ đồ chơi liên hoàn ngoài trời đúng dịp khai giảng năm học mới, giúp các cháu có điều kiện vui chơi”.

Cùng với sự chăm lo của toàn xã hội, đội ngũ cán bộ quản lý và giáo viên ở xã Ea Kuêh cũng đã tự khắc phục khó khăn, không ngừng học tập, tạo bước đột phá về chất, góp phần nâng cao chất lượng dạy-học. Không chỉ vững vàng về trình độ chuyên môn nghiệp vụ, các thầy cô giáo rất tâm huyết với nghề, yêu trường, mến trẻ. Đây là yếu tố quyết định sự thành công trong quá trình đổi mới và nâng cao hiệu quả dạy học trong nhà trường, để giáo dục ở các xã đặc biệt khó khăn phát triển bền vững. Nhờ đó, mặc dù có nhiều điểm trường, mỗi điểm trường cách nhau 5-6 km, nhưng chất lượng giáo dục đã đạt được những thành tích đáng ghi nhận. Tổng kết năm học 2010-2011, Trường Mẫu giáo buôn Wing xếp loại tốt về xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực; Trường TH Bế Văn Đàn xếp vị thứ 15 trong tổng số 38 trường tiểu học về xếp loại chất lượng giáo dục; Trường THCS Trần Quang Diệu có 2 học sinh thi đỗ vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Nguyễn Du. Kết quả này đã đánh dấu một chặng đường phát triển quan trọng trong công tác giáo dục của một xã vùng 3. Tuy nhiên, để sánh kịp các trường ở trung tâm, về mặt chất lượng, các trường trên địa bàn xã Ea Kuêh cần được quan tâm hơn nữa về đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị; đặc biệt là đưa các bộ môn tự chọn như tin học, ngoại ngữ vào giảng dạy.

Từ năm học 2011-2012, học sinh xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) không còn lo lắng về chỗ ở.
Từ năm học 2011-2012, học sinh xã Ea Kuêh (huyện Cư M’gar) không còn lo lắng về chỗ ở.
Quyết tâm nâng cao chất lượng dạy - học
Cũng như nhiều địa phương trong tỉnh, phụ huynh, học sinh và thầy cô giáo của 5 trường học (gồm 2 trường mầm non, 2 trường TH và 1 trường THCS) trên địa bàn xã Ea Wer (huyện Buôn Đôn) đang háo hức chuẩn bị cho ngày khai giảng năm học mới 2011-2012. Cô giáo Lê Thị Lanh, Phó Hiệu trưởng Trường TH Lương Thế Vinh (xã Ea Wer) cho biết: “Thực hiện chỉ đạo của Phòng GD-ĐT huyện Buôn Đôn, nhà trường đã tổ chức cho học sinh tựu trường từ ngày 15-8. Năm học mới này, trường có 25 lớp, với hơn 677 học sinh và 44 cán bộ, giáo viên, công nhân viên. Đa số học sinh là con em đồng bào dân tộc thiểu số phía Bắc như: Tày, Dao, Thái… vào định cư tại xã. Mặc dù, đời sống của đại đa số người dân còn gặp rất nhiều khó khăn, nhưng sự học của con cái luôn được đặt lên hàng đầu”.

Ngoài nguồn vốn đầu tư của Nhà nước, những năm gần đây, các trường của xã Ea Wer đã làm tốt công tác xã hội hóa giáo dục để huy động nguồn vốn đóng góp của nhân dân xây cổng trường, phòng y tế học đường, tường rào, bê tông sân trường… để xây dựng môi trường học tập tốt  cho học sinh. Không chỉ tổ chức tốt các hoạt động giáo dục, trong hè các thầy cô giáo đã phối hợp với chính quyền địa phương đến từng nhà dân vận động học sinh trong độ tuổi đến trường. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh trong độ tuổi vào lớp 1 luôn đạt 100%; tỷ lệ học sinh hoàn thành chương trình tiểu học đạt 100%; tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng giảm. Với sự nỗ lực của chính quyền địa phương cùng thầy và trò, đến nay xã Ea Wer có trường Tiểu học Lương Thế Vinh là 1 trong 3 trường của huyện Buôn Đôn được công nhận đạt chuẩn Quốc gia mức độ I; Trường THCS Hồ Tùng Mậu phấn đấu đạt chuẩn Quốc gia trong năm 2011.

Bước vào năm học mới 2011-2012, các trường trên địa bàn xã Ea Wer cũng đã triển khai nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện cho học sinh;  trong đó tập trung đổi mới phương pháp giảng dạy; tăng cường dạy tiếng Việt cho học sinh dân tộc thiểu số, tổ chức dạy tiếng mẹ đẻ cho học sinh Êđê; ứng dụng khoa học công nghệ vào giảng dạy; trước khi vào năm học mới, nhà trường đã tổ chức ôn luyện kiến thức, phụ đạo cho học sinh, xây dựng kế hoạch cho năm học mới…

Năm học mới với nền tảng vững chắc đã đạt trong những năm học vừa qua, cùng các khâu chuẩn bị khá chu đáo và toàn diện sẽ là động lực để các trường ở các xã đặc biệt khó khăn trong tỉnh phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ năm học 2011-2012.

Nguyên Hoa – Thế Hùng

Ý kiến bạn đọc