Multimedia Đọc Báo in

Tuyển sinh 2012 có thể không còn nguyện vọng 2, nguyện vọng 3

17:17, 16/02/2012

"Năm nay, Bộ giao cho các trường tự chủ trong việc xét tuyển, không quy định nguyện vọng 2, nguyện vọng 3 (NV2, NV3); thời gian xét tuyển có thể kéo dài; không quy định điểm trúng tuyển đợt sau phải cao hơn điểm trúng tuyển đợt trước”, là những thông tin xung quanh kỳ thi tuyển sinh đại học, cao đẳng mà Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Bùi Văn Ga vừa cho biết.

Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, những thay đổi trên xử lý được những vấn đề như nhiều em học sinh điểm cao nhưng vẫn không đậu được ĐH hay có trường còn dư chỉ tiêu nhưng tuyển không đủ.

Trước việc nhiều người phân vân  cho rằng, thời gian xét tuyển không nên kéo quá dài, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho rằng, thực tế, số thí sinh trúng tuyển chiếm khoảng 70%,  xét tuyển chỉ còn 30% nên sẽ không gây lộn xộn trong công tác đào tạo của các trường. Vì vậy, quan điểm của Bộ vẫn để thời gian xét tuyển kéo dài…

Ngoài các khối thi như các năm trước, năm nay có thêm khối A1 gồm 3 môn là Toán, Lý và tiếng Anh và thi cùng đợt 1 với khối A. Thí sinh cần theo dõi thông tin tuyển sinh của các trường xem trường nào có xét tuyển nguyện vọng A1 để lựa chọn đăng ký dự thi.

Lộ trình đổi mới tuyển sinh dự kiến đến năm 2015 sẽ cơ bản không thay đổi gì nhưng từ năm 2016 trở đi sẽ không có khối thi nữa mà thi nhiều môn, trong đó 2 môn cơ bản là Toán và Ngữ Văn, sau đó các môn Địa, Sinh, Hóa, Ngoại ngữ… thành tổ hợp các môn thi do các trường tự xét. Còn sau  năm 2020, khi Luật Giáo dục ĐH (hiện đang xây dựng) đã đi vào cuộc sống, ĐH Việt Nam sẽ phân tầng ra ĐH nghiên cứu, ĐH ứng dụng, ĐH nghề nghiệp. Việc tuyển sinh chỉ còn ở ĐH tốp trên nhằm tuyển những tinh hoa để đào tạo, còn các trường khác có thể xét tuyển trên kết quả học ở phổ thông. Việc tuyển sinh khi đó sẽ rất nhẹ nhàng.

DSC05177.JPG
Thí sinh dự thi vào Trường Đại học Tây Nguyên năm 2011

Xung quanh ý kiến của nhiều trường cho rằng, chủ trương kéo dài thời gian xét tuyển sẽ tăng lượng thí sinh ảo. Trong khi đó, cái họ cần là nguồn tuyển chứ không hẳn và việc thời gian xét tuyển được kéo dài thêm? Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, như đã nói ở trên, phần xét tuyển chỉ còn chưa tới 30% và hầu như ở trường tốp dưới vì 70% các em đã trúng tuyển ở NV1. Kéo dài thời gian xét tuyển là để tạo điều kiện cho các trường top dưới tuyển sinh. Việc thí sinh ảo không đáng lo vì xét tuyển nhiều lần và các trường đào tạo tín chỉ thì có thể đào tạo bất cứ lúc nào.

Về nguồn tuyển, Hội đồng điểm sàn sẽ cân nhắc các điều kiện để làm sao cho nguồn tuyển dồi dào nhất có thể được, vượt rất xa so với tổng chỉ tiêu. Vấn đề là, các trường phải có uy tín nhất định thì thí sinh mới lựa chọn. Nếu học sinh có điểm trên sàn nhưng vẫn không vào trường thì đó lại là vấn đề khác chứ không phải vấn đề nguồn tuyển.

Bộ GD-ĐT đã ban hành Thông tư 57, theo đó, các trường tự xác định chỉ tiêu tuyển sinh theo 2 tiêu chí: số lượng sinh viên trên giảng viên cơ hữu và diện tích mặt sàn xây dựng phục vụ đào tạo. Đây là hai tiêu chí tối thiểu để xác định chỉ tiêu.

Sắp tới, Bộ GD-ĐT sẽ phối hợp với địa phương theo tinh thần Nghị định 115 của Chính phủ, kiểm tra tất cả các trường. Trường nào vi phạm sẽ bị xử phạt rất nặng và việc xử phạt không phải chỉ ngay lập tức mà bất cứ lúc nào quá trình kiểm tra, có thể là 1 năm sau, 2 năm sau, nếu kiểm tra phát hiện vi phạm đều sẽ bị xử lý. Việc xử lý sẽ rất nghiêm nên các trường phải khai đúng, khai thật.

Lý giải về việc một số lượng lớn sinh viên ra trường phải đào tạo lại, Thứ Trưởng Bùi Văn Ga nói, hiện nay  việc đào tạo là theo ngành rộng chứ không đào tạo nhắm vào một công ty, xí nghiệp nào. Đào tạo theo ngành rộng để sinh viên không làm tại xí nghiệp này thì có thể làm trong xí nghiệp khác, không làm tại công ty này, có thể làm việc trong công ty khác, vì vậy cần kiến thức rất rộng. Vấn đề là làm sao sinh viên ra trường có thể thích nghi được với môi trường công tác.

Sinh viên ra trường cần thời gian để tiếp cận công việc, đó là việc bình thường. Còn để thời gian đào tạo lại rút ngắn đi thì các xí nghiệp, các cơ sở sản xuất phải phối hợp với nhà trường trong việc đào tạo, cử chuyên gia giảng dạy trong lĩnh vực thực tiễn của mình để sinh viên tiếp cận dần dần; phải cho phép sinh viên đến cơ sở đó thực tập để nắm bắt thực tiễn trước… Hiện nay, mối quan hệ giữa nhà trường và doanh nghiệp còn hạn chế nên dẫn đến việc đào tạo lại kéo dài.


NH (Nguồn Giáo dục và Thời đại)
 


Ý kiến bạn đọc