Tăng cường dạy tiếng Việt: Giúp học sinh DTTS tự tin hơn trong học tập
Hơn một tuần nữa năm học 2012-2013 mới bắt đầu nhưng tại nhiều trường tiểu học có đông học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) trên địa bàn tỉnh đã vang lên tiếng học bài. Việc tổ chức dạy phụ đạo và dạy tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS trong hè giúp các em học lực yếu củng cố kiến thức, học sinh chuẩn bị vào lớp 1 tự tin hơn, nhất là những em chưa được học qua lớp mẫu giáo.
Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) hướng dẫn học sinh làm quen với các dụng cụ học tập qua tranh ảnh. |
Năm học 2012-2013, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng (xã Ea Yông, huyện Krông Pak) tuyển mới hơn 110 học sinh vào lớp 1, trong đó học sinh người Êđê, Tày, Nùng chiếm đa số. Để giúp các em làm quen với môi trường học tập, đầu tháng 8-2012 nhà trường đã tổ chức 5 lớp tăng cường dạy tiếng Việt trong thời gian 2 tuần. Trên cơ sở tài liệu “Kế hoạch bài học Chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ em trước tuổi đến trường” của Bộ GD-ĐT, giáo viên dạy trẻ nhận biết một số vật dụng liên quan đến học tập, làm quen với chữ cái, tập đếm từ 1 đến 10, nói được những câu đơn giản và rèn luyện các kỹ năng cần thiết trước khi vào lớp 1 như: xếp hàng, chào hỏi thầy, cô giáo, bạn bè, chỗ để đồ dùng cá nhân... Cô Trần Thị Hạnh, giáo viên chủ nhiệm lớp 1 cho biết: “Ngoài tăng cường giao tiếp với các em bằng những câu hỏi đơn giản, tôi còn tổ chức cho các em học hát, chơi các trò chơi dân gian phù hợp, qua đó giúp học sinh sẽ mạnh dạn, tự tin trong học tập. Trước đây, không ít em học sinh đến ngày khai giảng vẫn sợ đi học, nên phụ huynh và giáo viên mất rất nhiều thời gian để giúp các em làm quen với cô giáo, bạn bè, trường, lớp, nhưng sau khi tham gia 2 tuần học tăng cường tiếng Việt trong dịp hè, hầu hết các em thích đi học hơn”.
Trước đó, đầu tháng 6 - 2012, Trường Tiểu học Nơ Trang Lơng đã tổ chức một lớp phụ đạo hè cho 27 học sinh có học lực yếu trong năm học 2011-2012 nhằm giúp các em củng cố lại kiến thức, nhất là môn tiếng Việt. Cô Hiệu trưởng H’Yer Knul khẳng định: “Với đặc thù của một trường có tỷ lệ học sinh DTTS chiếm trên 80% tổng số học sinh, nhà trường xác định tăng cường khả năng tiếng Việt là biện pháp có tính chất quyết định để nâng cao chất lượng giáo dục. Do đó việc dạy tiếng Việt không chỉ dừng lại trong hè mà còn được thực hiện thường xuyên, liên tục trong các tiết học, hoạt động ngoài giờ lên lớp, nên tỷ lệ học sinh học yếu tiếng Việt của nhà trường giảm hẳn theo từng năm, chất lượng hai mặt giáo dục học sinh nâng lên rõ rệt.
Năm học 2012-2013, huyện Krông Ana dự kiến có hơn 19 nghìn học sinh, trong đó học sinh DTTS chiếm hơn 30%. Cô Hoàng Thị Cúc Hoa, chuyên viên tiểu học Phòng GD-ĐT huyện cho biết: “Hiện nay kỹ năng nghe, nói, đọc, viết tiếng Việt của học sinh DTTS còn hạn chế, dẫn tới các em thường gặp khó khăn trong việc tiếp thu kiến thức các môn học cũng như tham gia vào các hoạt động của nhà trường. Riêng học sinh DTTS chuẩn bị khi vào lớp 1 có một số ít chưa qua lớp mẫu giáo. Ở nhóm trẻ này khả năng nói tiếng Việt hạn chế, chủ yếu giao tiếp bằng ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ. Khi vào lớp 1 cùng một lúc các em nói tiếng mẹ đẻ, nhưng lại giao tiếp với bạn bè, cô giáo và học tập bằng tiếng Việt do đó sẽ ảnh hưởng đến việc học tập”. Để tháo gỡ khó khăn này, trên cơ sở kết quả bàn giao chất lượng dạy học giữa các cấp học, phòng GD-ĐT Krông Ana chỉ đạo các trường tổ chức dạy phụ đạo học sinh yếu, triển khai chương trình chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước tuổi đến trường ngay từ đầu hè. Cùng với đó, Phòng đề ra các giải pháp nâng cao chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS như: cử giáo viên vào tận buôn, gia đình, giúp đỡ, động viên học sinh đi học đúng độ tuổi, không bỏ học; xây dựng các mô hình thư viện trường học thân thiện; dạy môn tiếng Việt lớp 1 theo hướng tăng thời lượng từ 350 tiết lên 500 tiết, dạy 2 buổi/ngày, tăng cường giải nghĩa từ qua vật thật, tranh ảnh, tiếng mẹ đẻ cho học sinh; cam kết chất lượng năm học qua đó nâng cao trách nhiệm của mỗi thầy cô giáo; khuyến khích giáo viên viết sáng kiến kinh nghiệm dạy tiếng Việt cho học sinh với các chuyên đề như chuẩn bị tiếng Việt cho trẻ trước khi vào lớp 1, tăng cường tiếng Việt cho trẻ qua môn Toán…
Có thể khẳng định, với những giải pháp trên, chất lượng dạy học tiếng Việt cho học sinh DTTS ở huyện Krông Ana đã được nâng lên, khoảng cách ngôn ngữ giữa cô và trò được rút ngắn, giúp các em học tốt các môn học khác. Nhờ đó, tỷ lệ học sinh DTTS chuyên cần của bậc tiểu học trong năm học 2011-2012 đạt 82,5% và bậc THCS là 98,3%, tăng 0,2% so với năm học trước. Đặc biệt năm học 2011-2012 toàn huyện Krông Ana chỉ có 67 học sinh DTTS bỏ học, giảm 2,8% so với năm học trước.
Xác định tiếng Việt là khâu quan trọng quyết định chất lượng giáo dục học sinh DTTS, do đó ngành Giáo dục tỉnh đã phân công giáo viên người dân tộc thiểu số tại chỗ phụ trách việc dạy tiếng dân tộc để có thể giúp học sinh học tiếng Việt tốt hơn. Bên cạnh đó, vào mỗi dịp hè, ngành còn mở các lớp bồi dưỡng chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Êđê. Những giáo viên này sẽ là “cầu nối” giúp học sinh DTTS học tiếng Việt hiệu quả và ham học hơn, góp phần giảm tỷ lệ học sinh bỏ học. Bởi một trong những nguyên nhân dẫn đến việc học sinh DTTS bỏ học nhiều là do không biết hoặc biết ít tiếng Việt nên không theo kịp bạn bè, ông Nguyễn Văn Thú, Phụ trách Ban nghiên cứu Giáo dục học sinh dân tộc (Sở GD-ĐT) cho biết.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc