Multimedia Đọc Báo in

Sẵn sàng vào năm học mới

08:29, 04/09/2012

Năm học 2011-2012, Dak Lak là một trong 20 tỉnh, thành phố vinh dự được Bộ GD-ĐT tặng Cờ thi đua đơn vị tiêu biểu xuất sắc, cùng với đó sự nghiệp giáo dục tiếp tục nhận được sự quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, nguồn nhân lực và nhiều chính sách ưu đãi đặc biệt… là động lực để ngành Giáo dục tự tin bước vào năm học mới.

Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chuẩn bị  cho ngày khai giảng.
Học sinh Trường THCS Phan Chu Trinh (TP. Buôn Ma Thuột) chuẩn bị cho ngày khai giảng.

Năm học 2012-2013, toàn tỉnh có 937 trường học các cấp, tăng một trường THPT so với năm học trước, dự kiến có gần 470 nghìn học sinh (HS), trong đó HS dân tộc thiểu số chiếm hơn 30%. Trao đổi với phóng viên Báo Dak Lak tại Hội nghị tổng kết năm học 2011-2012 và triển khai năm học mới 2012-2013, ông Phan Hồng, Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định: “Mặc dù điều kiện kinh tế - xã hội còn khó khăn, đồng thời thực hiện Nghị quyết số 11 của Chính phủ về tiết giảm đầu tư, nhưng nhờ sự chủ động, sáng tạo của các địa phương, cơ sở vật chất trường lớp học vẫn tiếp tục được tăng cường đầu tư xây dựng, cơ bản đáp ứng nhu cầu dạy và học của năm học mới. Nhờ đó, những phòng học xuống cấp, phòng học tạm dần được xóa bỏ thay vào đó là phòng học cao tầng, kiên cố, bộ mặt trường lớp ngày càng khang trang sạch đẹp. Đây là nhân tố quan trọng để ngành Giáo dục hoàn thành tốt các nhiệm vụ trọng tâm của năm học mới”.

Ưu tiên đầu tư xây dựng cơ sở vật chất

Năm học 2012-2013, huyện Krông Pak có 98 trường học, với hơn 41 nghìn HS, gồm 24 trường mầm non, 51 trường tiểu học và 23 trường trung học cơ sở. Xác định cơ sở vật chất trường học khang trang là yếu tố quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục, những năm qua Phòng GD-ĐT huyện Krông Pak tham mưu UBND huyện ưu tiên các nguồn vốn đầu tư xây dựng mới, sửa chữa phòng học, nhà hiệu bộ, phòng chức năng xuống cấp theo hướng kiên cố hóa. Riêng năm 2012, huyện đã dành 33 tỷ đồng xây dựng mới và sửa chữa phòng học cho 34 trường. Trong đó ưu tiên đầu tư cho các trường nằm trong lộ trình xây dựng trường học đạt Chuẩn Quốc gia và các trường thuộc vùng đặc biệt khó khăn: THCS Nguyễn Viết Xuân, Tiểu học (TH) Phan Chu Trinh và TH Trần Bình Trọng; đồng thời sửa chữa 3 phòng học, tường rào, nhà vệ sinh cho Trường TH La Văn Cầu và 2 phòng học Trường Mẫu giáo Hoa Hướng Dương... Ngoài ra, Phòng GD-ĐT huyện còn trích kinh phí chi thường xuyên và các chương trình mục tiêu hơn 6 tỷ đồng mua sắm trang thiết bị phục vụ giảng dạy như: bàn ghế học sinh, bàn ghế văn phòng, tủ đựng hồ sơ, tủ thiết bị thư viện, máy vi tính, phương tiện nghe nhìn và đồ chơi ngoài trời cấp cho các trường. Riêng bậc mầm non, huyện đầu tư gần 500 triệu đồng để xây dựng mới 9 phòng học, sửa chữa cổng tường rào, nhà vệ sinh cho trường Hoa Mai (xã Hòa An), Hoa Anh Đào (xã Ea Yiêng) đáp ứng nhu cầu chăm sóc, nuôi dưỡng các cháu 2 buổi/ngày. Với sự quan tâm đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, đến nay huyện Krông Pak đã có 23 trường học được công nhận đạt Chuẩn Quốc gia, đạt 23,47%. Bà Hoàng Thị Minh, Trưởng Phòng GD-ĐT huyện Krông Pak cho biết: “Năm học 2012-2013, Phòng GD-ĐT tiếp tục hoàn tất hồ sơ đề nghị UBND huyện đầu tư kinh phí xây dựng cơ sở vật chất cho 4 trường cận chuẩn, gồm: Mầm non thị trấn Phước An, TH Nguyễn Trãi, TH N’Trang Lơng, THCS Lê Đình Chinh”.

Năm học 2012 -2013 Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông) tiếp tục được đầu tư sơn sửa mới toàn bộ phòng học.
Năm học 2012 -2013 Trường THPT Trần Hưng Đạo (huyện Krông Bông) tiếp tục được đầu tư sơn sửa mới toàn bộ phòng học.

Khi địa phương vào cuộc

Đến đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Cư M’gar 85 trường học đã dọn vệ sinh, quét vôi, sơn lại trường lớp. Là địa phương có địa bàn rộng với 178 thôn, buôn và có tỷ lệ HS dân tộc thiểu số xấp xỉ 50%, những năm qua chính quyền các cấp đặc biệt quan tâm sự nghiệp giáo dục. Ông Nguyễn Đức Thắng, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Ngay từ cuối năm học 2011-2012, UBND huyện đã chỉ đạo phòng GD-ĐT và các phòng, ban liên quan rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy-học để lên phương án đầu tư. Ngoài những chương trình đầu tư có trọng điểm của Nhà nước, huyện còn trích ngân sách chi thường xuyên, tranh thủ các nguồn vốn xã hội hóa giáo dục để xây dựng, sửa chữa trường, lớp, tạo cảnh quan sư phạm xanh-sạch-đẹp. Trong công tác tổ chức cán bộ, UBND huyện chỉ đạo Phòng GD-ĐT phối hợp với Phòng Nội vụ rà soát đội ngũ quản lý, giáo viên, nhân viên để có kế hoạch bổ nhiệm, luân chuyển, tuyển dụng bảo đảm chất lượng, đúng quy trình. Đặc biệt đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nhân dân hiểu rõ tầm quan trọng của sự nghiệp giáo dục, nhất là thực hiện tốt các chỉ tiêu ngày toàn dân đưa trẻ đến trường”.

Bên cạnh đó, ngay từ đầu năm học Phòng GD-ĐT huyện đã chỉ đạo các trường tăng cường công tác vệ sinh môi trường, chú trọng phòng, chống dịch “tay chân miệng” đang có nguy cơ lan rộng trong các trường học, nhất là vào dịp đầu năm học. Cụ thể các trường phải vệ sinh, khử khuẩn trường lớp, đặc biệt là các cơ sở bán trú, các bếp ăn tập thể, khu vệ sinh, bảo đảm điều kiện tốt nhất cho trẻ đến trường trước khi vào năm học mới. Được biết, ngoài nguồn ngân sách của Trung ương, mỗi năm huyện Cư M’gar bổ sung từ 3-5 tỷ đồng từ nguồn kinh phí chi thường xuyên để đầu tư cơ sở vật chất trường học. Nhờ đó đến nay, 80% trường, lớp học trên địa bàn huyện đã được kiên cố hóa. 

Chăm lo học sinh dân tộc thiểu số

Năm học 2012-2013 là dấu mốc quan trọng đối với thầy và trò Trường THCS Tô Hiệu (xã Cư San, huyện M’Drak) khi trường mở thêm hệ bán trú. Trước thềm năm học mới, nhiều phụ huynh đã góp công, vật liệu để làm 3 phòng tạm cho con em ở nội trú. Trước nhu cầu ở nội trú của HS tăng cao, phụ huynh đang tiếp tục làm thêm một phòng ở tạm, phấn đấu hoàn thành và đưa vào sử dụng đúng ngày khai giảng để con em yên tâm học tập. Thầy giáo Nguyễn Đình Thiện, Hiệu trưởng Trường THCS Tô Hiệu vui mừng cho hay: “Trường được thành lập từ năm học 2009-2010, trung bình mỗi năm học có khoảng 350 HS, hầu hết là HS dân tộc thiểu số. HS nhà ở cách xa trường, thậm chí có em nhà cách trường gần 20km, vào mùa mưa các lớp học gần như vắng hơn phân nửa do giao thông cách trở. Vì vậy, khi nhà trường được mở thêm hệ bán trú, bậc phụ huynh rất phấn khởi. Không chỉ có các chú, các bác tham gia làm nhà tạm, mà nhiều phụ huynh là phụ nữ từ các thôn, buôn làng cách đó hàng chục km cũng tạm gác chuyện nương rẫy để dồn sức làm nhà nội trú với hy vọng con em mình sẽ có được chỗ ở ổn định trước khi vào năm học mới”.

Có thêm nhà bán trú cũng đã giải tỏa nỗi lo canh cánh bao năm nay của chính quyền địa phương và Ban Giám hiệu nhà trường về tình trạng học sinh bỏ học giữa chừng. Mô hình trường bán trú cũng sẽ giúp các em đỡ vất vả khi đến trường, mặt khác tăng thời gian học tập trung ở trường, được giao lưu, gặp gỡ thầy cô, bạn bè thường xuyên hơn. Giáo viên có thể kiểm tra việc học của các em, nắm được sức học của từng em và kịp thời có hướng phụ đạo, giúp đỡ, bồi dưỡng. Mặt khác, việc học tập trung còn giúp trau dồi vốn kiến thức về tiếng phổ thông cho học sinh, tăng khả năng tiếp thu bài giảng của các em, qua đó nâng cao chất lượng giáo dục.

Nỗ lực giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học

Năm học 2012-2013, Trường THPT Trần Hưng Đạo (xã Cư D’răm, huyện Krông Bông) được đầu tư 1,2 tỷ đồng sơn mới 12 phòng học, xây dựng mới nhà vệ sinh đúng quy định, mua sắm thêm bàn ghế… Nhà trường cũng đã kịp thời cấp sách giáo khoa, vở viết và dụng cụ học tập cho học sinh theo Nghị định 49 của Chính phủ trước ngày tựu trường 20-8. Nhờ sự quan tâm kịp thời của chính quyền địa phương và ngành Giáo dục, mặc dù tọa lạc ở xã đặc biệt khó khăn, đến nay nhà trường đã có 10 phòng học, 1 phòng máy vi tính, thư viện. Đặc biệt, nhà trường đã được đầu tư xây dựng 14 phòng công vụ, giúp giáo viên có nơi ở ổn định để an tâm giảng dạy…Thầy Dương Kim Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Trần Hưng Đạo cho biết, cũng như nhiều trường ở các xã vùng  sâu, vùng xa, tình trạng học sinh bỏ học vẫn diễn ra nên ngay từ đầu năm học, nhà trường tăng cường các giải pháp duy trì sĩ số học sinh, như nếu HS vắng 3 buổi/tuần thì nhà trường phải trực tiếp gặp gỡ phụ huynh để tìm hiểu nguyên nhân, lý do các em nghỉ học. Qua đó phát hiện nhiều HS tự viết giấy phép để xin nghỉ. Nhờ sự giám sát và liên hệ chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình, tỷ lệ HS bỏ học giảm hẳn. Nếu năm học 2009-2010, tỷ lệ HS bỏ học là 20,2% thì đến năm học 2011-2012 chỉ còn 13,4%. So với nhiều trường THPT, mặt bằng chất lượng đầu vào của trường không cao, do đó nhà trường yêu cầu giáo viên các bộ môn cần bám theo chuẩn kiến thức, không nên vượt quá khả năng của HS sẽ khiến các em chán nản, bỏ học. Nhà trường cũng giao cho giáo viên  bộ môn tổ chức các lớp phụ đạo vào các ngày thứ Bảy và Chủ nhật cho HS yếu, kém để các em có thể theo kịp chương trình. Bên cạnh đó, trong đợt họp phụ huynh đầu năm học, nhà trường đề nghị phụ huynh quan tâm tạo điều kiện, nhắc nhở HS học tập ở nhà để các em có thêm thời gian tập trung cho việc học, giảm bớt các công việc nương rẫy… “Đây là những biện pháp dẫu không mới nhưng có tác dụng lớn trong việc động viên các em đến trường đều đặn, giảm thiểu việc bỏ học giữa chừng, nhất là đối với HS dân tộc thiểu số” thầy Thạch chia sẻ.

Nguyên Hoa


Ý kiến bạn đọc