Multimedia Đọc Báo in

Bàn về việc đánh giá giáo viên giỏi

13:43, 03/11/2012

Để chi tiết hoá vấn đề này, cần có một định nghĩa sát đúng thế nào là một giáo viên (GV) giỏi. Cũng cần phân biệt giữa danh hiệu GV giỏi với GV dạy giỏi. Khái niệm GV giỏi mang ý nghĩa toàn diện, bao gồm: Phẩm chất đạo đức tốt, lập trường tư tưởng vững vàng, hết lòng thương yêu học sinh; có kiến thức và tay nghề cao; có ý thức học hỏi và sáng tạo, không ngừng đổi mới phương pháp giảng dạy để đạt hiệu quả cao nhất; tạo được uy tín trong đồng nghiệp và học sinh. Vậy nên, để đạt được danh hiệu GV giỏi là cả một quá trình, rèn luyện không mệt mỏi. Còn GV dạy giỏi chỉ cần có nhiều sáng kiến trong đổi mới phương pháp dạy học.

Những tiêu chí mà Bộ GD&ĐT đã đưa ra để các trường làm căn cứ đánh giá GV giỏi khá cụ thể, tuy nhiên, một số nơi đã không phân biệt rõ 2 khái niệm nói trên, không nghiên cứu kỹ văn bản nên thực hiện kém hiệu quả. Ngoài ra, do bệnh thành tích, trong nhiều năm trước đây và kể cả hiện tại, việc đánh giá GV giỏi lộ rõ những bất cập: Chưa khơi đậy được phong trào một cách sâu rộng và thiếu phương pháp đánh giá hiệu quả. Để khắc phục thực trạng này, rất cần nhiều yếu tố để tạo “chất xúc tác” cho phong trào. Đó là sự quan tâm đúng mức của BGH, BCH công đoàn trường trong suốt năm học khi tổ chức thi GV giỏi. Năm 2009, tại Hội thảo về đổi mới phương pháp dạy học ở các trường phổ thông do Bộ GD&ĐT tổ chức, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân (khi ấy đang kiêm chức Bộ trưởng) đã đưa ra ý kiến có sức đánh động mạnh vào đội ngũ cán bộ quản lý: “Nếu không tạo động lực và sự hỗ trợ cần thiết cho GV thì dù có phát động nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động cũng không thể thay đổi được cách dạy và học cũ... Phải cụ thể hoá khái niệm “dạy tốt” và xem lại việc công nhận GV dạy giỏi như hiện nay...”. Tình trạng “đầu voi đuôi chuột” trong xây dựng phong trào GV giỏi còn khá phổ biến ở các trường:  Đầu năm phát động rất “hoành tráng”, đến cuối học kỳ, cuối năm, do nhiều hoạt động chồng chéo, thiếu sự sắp xếp khoa học dẫn đến khoán trắng cho tổ chuyên môn; lãnh đạo chỉ phân người đi dự giờ một tiết dạy gọi là cho có. Kết quả đánh giá theo cảm tính, kiểu “nhìn mặt đặt tên”. Nhìn nhận được sức bật nội tại của những GV có phẩm chất và năng lực, động viên những GV này làm nòng cốt của phong trào; đồng thời khuyến khích sự sáng tạo trong quá trình dạy và học, đó là cách tốt nhất để tạo nguồn GV giỏi.

Để làm được điều này, lãnh đạo phải là người có năng lực chuyên môn vững vàng và công tâm. Vẫn còn tồn tại một số hiệu trưởng do non yếu về chuyên môn, nặng về hành chính sự vụ nên “ngại” những GV có tay nghề, có kinh nghiệm và luôn “giữ tay thước” một cách chừng mực. BGH cần trực tiếp vào cuộc khi làm các cuộc thăm dò, lấy ý kiến nhận xét về GV từ HS, từ đồng  nghiệp bằng nhiều hình thức. Khi đã có một danh sách chính thức đội ngũ GV giỏi, cũng cần nắm bắt được hoàn cảnh, cá tính, tâm tư nguyện vọng của họ. Ngay cả những hiệu trưởng không non yếu về chuyên môn, nhưng điều hành nặng về cảm tính, hay thiên vị những GV “bảo sao làm vậy” cũng khó có cái nhìn và lối hành xử công tâm. Đánh giá GV giỏi cũng không thể chỉ dừng ở những nhận xét từ bên ngoài mà qua quá trình dự giờ, thao giảng theo chuyên đề. Đa số các trường phổ thông hiện nay vẫn tồn tại kiểu dự giờ có báo trước, sắp đặt trước cả tuần lễ; vì kiểu dự giờ đột xuất khó thực hiện do nể nang... Một số GV khi dạy bình thường thì ít đầu tư, còn khi có người dự giờ lại chuẩn bị khá kỹ càng để đối phó, thậm chí có người còn thuê làm đồ dùng dạy học và học thuộc cả giáo án lên lớp! Vì vậy, khi tổ chức thi GV giỏi qua tiết dạy, nên cho bốc thăm bài dạy trước đó chỉ một ngày, sẽ biết tương đối chính xác kết quả. Cũng không chỉ qua một tiết dạy mà qua một số tiết dạy đặc thù diễn ra trong suốt năm học để mà đánh giá. Việc khen thưởng thích đáng cho GV đạt danh hiệu thi đua GV giỏi là hết sức quan trọng, nhưng đây lại là vấn đề còn hạn chế, gây bức xúc từ nhiều năm. Chẳng hạn, mức thưởng cho GV đạt danh hiệu GV giỏi trường hầu như không có, còn giáo viên giỏi huyện thường chỉ từ 100 - 200.000 đồng. Điều này càng chứng tỏ danh hiệu GV giỏi còn bị xem nhẹ.

Hi vọng những hướng dẫn sắp tới đây của Bộ GD&ĐT về đổi mới phương pháp dạy học sẽ giúp các trường có biện pháp tổ chức tốt hơn phong trào GV giỏi và trả lại cho GV giỏi một vị trí tương xứng với những cống hiến của họ.

Nguyễn Trung Thu


Ý kiến bạn đọc


(Video) Huyện Krông Pắc: Nhiều hoạt động nâng cao nhận thức, thúc đẩy bình đẳng giới
Tại huyện Krông Pắc, Dự án 8 về “Thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” được triển khai đã tác động tích cực đến đời sống, nâng cao nhận thức, thay đổi “nếp nghĩ, cách làm” của phụ nữ nói riêng và người dân trong cộng đồng nói chung.