Multimedia Đọc Báo in

Để học sinh yêu thích môn Địa lý

14:37, 02/11/2012

Địa lý là môn khoa học xã hội với rất nhiều điều lý thú và bổ ích, tuy nhiên nhiều học sinh chưa mặn mà, còn xem nhẹ, thậm chí thờ ơ môn này. Bởi lẽ, nhiều học sinh không nắm được cách học phù hợp hoặc do bài giảng quá nhàm chán nên kết quả học tập không cao. Để học sinh yêu thích môn địa, xin chia sẻ vài kinh nghiệm:

Giáo viên cần kích thích tính sáng tạo, tự học, tự tìm hiểu... về kiến thức địa lý thông qua hệ thống các câu hỏi tư duy, câu hỏi mở để học sinh về tìm hiểu ở các tài liệu; đặc biệt là hướng dẫn học sinh biết khai thác từ các trang mạng để tìm kiếm các kiến thức cần thiết, nếu học sinh tìm hiểu đúng và đầy đủ thì cho điểm học sinh nhằm khuyến kích các em học tập. Giáo viên nên cho học sinh về làm các bài tập, báo cáo... theo nhóm, tổ từ đó phát huy được khả năng tập hợp nhóm, tự tìm hiểu kiến thức và tổng hợp kiến thức, tạo hứng thú học tập cho học sinh.

Bên cạnh đó, giáo viên cần thay đổi cách giảng dạy theo lối gợi mở, đặt câu hỏi tư duy, đàm thoại, thảo luận nhóm... để nâng cao năng lực tư duy, tổng hợp kiến thức của học sinh. Song nên chú ý phân loại năng lực học sinh để đưa ra các câu hỏi phù hợp với từng đối tượng để kích thích quá trình học tập của học sinh.

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Việc vận dụng nhiều phương pháp và phương tiện dạy học, trong đó sử dụng giáo án điện tử vào bài giảng là một cách làm tốt để biến tiết dạy trở nên sinh động. Bởi lẽ, giáo án điện tử với nhiều hình ảnh sinh động, các đoạn video, hình ảnh thực tế... sẽ làm cho học sinh hiểu hơn nội dung bài học.

Liên hệ kiến thức với thực tiễn: Đây là yếu tố vô cùng quan trọng và khó thực hiện vì vậy yêu cầu giáo viên cần lựa chọn việc liên hệ cho thích hợp.

Thực địa: Đây là cách dạy đưa học sinh đi vào thực tế của nội dung kiến thức. Học kiến thức về nông nghiệp, có thể đưa học sinh đi tham quan các địa điểm trồng cây nông - công nghiệp, hoặc học bài thủy sản có thể đưa học sinh đến các vùng nuôi trồng thủy sản, học bài du lịch cho học sinh tham quan các điểm du lịch, khu di tích, bảo tàng... Điều đó sẽ làm cho học sinh nắm vững hơn kiến thức, đặc biệt thực địa thì sẽ làm cho học sinh ghi nhớ lâu hơn...

Giúp học sinh khai thác tốt hơn các phương tiện dạy học như atlat địa lý ở chương trình Địa lý lớp 12. Vì atlat địa lý là nguồn cung cấp kiến thức, thông tin tổng hợp và có hệ thống giúp học sinh học tập, rèn luyện các kỹ năng tại lớp, ở nhà và trả lời phần lớn các câu hỏi kiểm tra về địa lý. Atlat cũng chính là cuốn sách thứ hai của môn địa lý, nếu nắm vững được cách khai thác và sử dụng atlat thì hiệu quả học sẽ rất cao.

Rèn luyện cho học sinh các kỹ năng về biểu đồ: biểu đồ cột, biểu đồ tròn, biểu đồ kết hợp cột và đường... Thông thường ở các kỳ thi tốt nghiệp thường ra các dạng biểu đồ trên, đây là câu kỹ năng thường chiếm 2 điểm, nên việc rèn luyện kỹ năng để đạt được điểm tối đa là yếu tố giúp học sinh đạt điểm cao. Vẽ sao cho khoa học (chính xác), trực quan (rõ ràng, dễ đọc), thẩm mỹ (đẹp), để đạt điểm tối đa là một yếu tố quan trọng. Vì vậy, giáo viên nên hướng dẫn các cách nhận diện của các dạng biểu đồ từ đó học sinh sẽ không bị nhầm lẫn giữa các dạng biểu đồ.

Thông thường các cụm từ như:

+ Cơ cấu hoặc nhiều thành phần của một tổng thể thì vẽ biểu đồ tròn (thời gian từ 1 đến 2 năm), vẽ biểu đồ miền (thời gian từ 3 năm trở lên).

+ Thể hiện tốc độ phát triển, tăng trưởng thường là biểu đồ cột hoặc đường (nhiều đối tượng: cà phê, cao su, dừa... thì biểu đồ đường).

+  Khi đề thể hiện hai đối tượng khác nhau: Dân số (triệu người) và sản lượng lúa (triệu tấn), thì chắc chắn là biểu đồ kết hợp cột và đường.

+ Nếu đề bài có cụm từ tốc độ phát triển, tốc độ tăng trưởng lại có nhiều đối tượng, nhiều năm, cùng một đơn vị thì hãy lấy năm đầu là 100 % rồi xử lý số liệu trước khi vẽ. 

Trên đây là vài kinh nghiệm để học sinh trở nên yêu thích hơn môn Địa lý. Dạy học là một quá trình với nhiều phương pháp khác nhau, phụ thuộc vào nhiều đối tượng học sinh, nếu giáo viên chịu khó và tâm huyết với nghề thì môn Địa lý sẽ là môn được học sinh yêu thích.

Tô Văn Quy


Ý kiến bạn đọc


(Video) Hỗ trợ người dân vùng khó tiếp cận bảo hiểm y tế
Nghị định số 75/2023/NĐ-CP của Chính phủ có nhiều điểm đổi mới, trong đó có quy định hỗ trợ 70% kinh phí mua thẻ bảo hiểm y tế cho một số đối tượng đã giúp người dân huyện Krông Bông có thẻ bảo hiểm y tế phòng thân.