Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT theo hướng trung học đạt Chuẩn quốc gia
Đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường PTDTNT theo hướng trung học đạt Chuẩn quốc gia và bảo đảm các điều kiện giáo dục đặc thù là điều cần thiết, đáp ứng nhu cầu đào tạo cán bộ và nguồn nhân lực có chất lượng cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi.
Mở rộng mạng lưới trường, lớp học
Năm 2011, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Củng cố và phát triển hệ thống trường PTDTNT giai đoạn 2011-2015”, đây được coi là dấu ấn trong việc mở rộng và phát triển mạng lưới các trường PTDTNT, nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực. Với mục tiêu mỗi địa phương có trường PTDTNT, ngành Giáo dục tỉnh đã và đang hoàn thiện hệ thống trường PTDTNT, bảo đảm nhu cầu dạy và học cho con em đồng bào dân tộc, vùng sâu, vùng đặc biệt khó khăn. Đến thời điểm này, 14/15 huyện, thị xã, thành phố có trường PTDTNT, trong đó có 14 trường PTDTNT cấp huyện và 1 trường PTDTNT cấp tỉnh, với hơn 2.860 học sinh; duy nhất huyện Krông Buk chưa thành lập trường PTDTNT, nhưng đã có bộ phận dân tộc nội trú tại Trường THCS Lý Tự Trọng. Cùng với mở rộng quy mô trường lớp học, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học của các trường PTDTNT không ngừng được ưu tiên đầu tư, đáp ứng yêu cầu giáo dục đặc thù. Đến nay 100% số trường PTDTNT có đủ phòng học để học hai buổi/ngày, trong đó một buổi học chính khóa các môn văn hóa, buổi còn lại tổ chức phụ đạo cho học sinh học lực yếu, kém và bồi dưỡng học sinh giỏi.
Không dừng lại ở hệ thống các trường PTDTNT, những năm gần đây, cơ hội được học tập của học sinh dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh được tăng lên khi công tác giáo dục học sinh dân tộc nhận được sự quan tâm đặc biệt của xã hội thành lập bộ phận dân tộc nội trú ở 10 trường THPT, THCS. Với mô hình này, các em được tập trung ăn, ở và học tại chỗ, được giao lưu văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao, gặp gỡ với bạn bè và thầy, cô giáo thường xuyên, có cơ hội trau dồi tiếng phổ thông nhiều hơn, hạn chế tình trạng bỏ học giữa chừng. Thầy Hoàng Đức Sản, Hiệu trưởng Trường THPT Lak cho biết: “Năm 2010, trường được đầu tư xây dựng khu bán trú với diện tích 600 m2, gồm: nhà bếp, nhà ăn, 14 phòng nội trú với đầy đủ trang thiết bị phục vụ học sinh ở xa. Năm học 2012-2013, nhà trường đã giải quyết cho 97 học sinh dân tộc thiểu số chủ yếu ở các xã Krông Nô, Nam Kar và Ea R’bin ở nội trú. Trước đây, khi chưa có bộ phận này, học sinh ở các xã trên thường xuyên bỏ học, vì nhà ở cách xa trường 40-50 km, đường đèo, đồi núi, phương tịên đi lại khó khăn”.
Học nhóm tại Trường THPT Dân tộc nội trú N'Trang Lơng. |
Nâng cao chất lượng dạy và học
Không như các trường THPT, phần lớn học sinh các trường PTDTNT trình độ và khả năng tiếp thu còn hạn chế, thậm chí một số ít em còn chưa chịu khó học. Làm thế nào để các em yêu trường, mến bạn, ham học tập luôn là vấn đề trăn trở của cán bộ quản lý và giáo viên các trường PTDTNT. Cô Ngô Thị Hằng, Phó Hiệu trưởng Trường PTDTNT huyện Ea Kar chia sẻ: “Muốn nâng cao chất lượng giáo dục trong trường chuyên biệt cần phải vận dụng nhiều giải pháp như tăng cường công tác quản lý, tổ chức đời sống nội trú, tổ chức và hướng dẫn học sinh tự học”. Để tổ chức và và hướng dẫn học sinh tự học đạt hiệu quả, Ban Giám hiệu Trường PTDTNT Ea Kar đã xây dựng thời khóa biểu khép kín trong ngày, quy định cụ thể giờ tự học dưới sự quản lý của giáo viên trực quản sinh. Mỗi lớp học được chia thành nhiều nhóm, trong đó nhóm trưởng là những em có học lực khá, giỏi để hướng dẫn các bạn tự học. Giờ tự học do các nhóm trưởng tự tổ chức, vấn đề nào chưa hiểu thì nhóm trưởng trao đổi với giáo viên bộ môn, rồi trình bày lại cho các bạn trong nhóm, hoặc đề nghị giáo viên giảng dạy. Để việc tự học đạt hiệu quả, trước tiên mỗi giáo viên phải thay đổi cách dạy, tránh lối đọc chép, phải biết hướng dẫn học sinh tự tìm tòi, gợi mở những vấn đề cho học sinh trao đổi, thảo luận trong các giờ tự học. Với cách thức tổ chức tự học trên, chất lượng giáo dục tại Trường PTDTNT Ea Kar được nâng lên rõ rệt. Kết thúc năm học 2011-2012, số học sinh học lực khá, giỏi đạt 41,6%, tăng 3,42% so với năm học trước; số em học yếu giảm 2,97%. Trường có 3 em đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp huyện, 1 em giỏi cấp tỉnh. Đây là năm học đầu tiên trường có học sinh đạt danh hiệu học sinh giỏi cấp tỉnh.
Năm học 2011-2012, Trường THPT Dân tộc Nội trú N’Trang Lơng có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp đạt 100%; trong số đó hơn 80% đỗ đại học, cao đẳng và gần 9% học trung cấp chuyên nghiệp. Thầy Hoàng Nghĩa Đào, Hiệu trưởng nhà trường cho biết, củng cố, phát triển trường theo hướng trường Chuẩn quốc gia và bảo đảm các điều kiện giáo dục đặc thù, ngoài triển khai có hiệu quả phong trào “học sinh tự học”, Nhà trường đẩy mạnh việc giáo dục, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh nhằm giáo dục những đức tính tốt đẹp như thái độ nghiêm túc trong học tập, kiên trì, cẩn thận. Đặc biệt thông qua các hoạt động tập thể, các buổi sinh hoạt Đoàn, rèn luyện cho các em kỹ năng giao tiếp. Nhờ đó, các em đã nhanh chóng vượt qua những khó khăn, bỡ ngỡ ban đầu để sống hòa nhập với tập thể, vượt qua những hạn chế như tự ti, mặc cảm, ngại nói, ngại tiếp xúc, thụ động trong học tập… Đây cũng là yếu tố quan trọng để Nhà trường thực hiện ngày càng tốt hơn công tác đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục, góp phần hoàn thiện nhân cách học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường.
Đầu năm học 2012-2013, Trường Phổ thông Dân tộc nội trú (PTDTNT) M’Drak được công nhận đạt Chuẩn quốc gia (trước đó năm 2011 là Trường PTDTNT Ea Kar). Đây là tin vui đối với công tác giáo dục học sinh dân tộc và là động lực để các trường tiếp tục phấn đấu đến năm 2015 có thêm 8 trường PTDTNT được công nhận đạt Chuẩn. Kết thúc năm học 2011-2012, 14/15 trường PTDTNT có tỷ lệ học sinh đỗ tốt nghiệp 100%. Đặc biệt 80% học sinh đỗ tốt nghiệp THPT của Trường THPT Dân tộc nội trú N’Trang Lơng thi đỗ đại học, cao đẳng. Kết quả đào tạo này một lần nữa khẳng định chất lượng giáo dục học sinh dân tộc nói chung và giáo dục học sinh dân tộc ở các trường PTDTNT nói riêng. Để nâng cao chất lượng giáo dục học sinh dân tộc trong các trường PTDTNT và trường phổ thông có bộ phận dân tộc nội trú, năm học 2012-2013, Sở GD-ĐT tiếp tục tăng cường công tác quản lý, đặc biệt là việc quản lý các hoạt động giáo dục đặc thù; nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên, đặc biệt là phương pháp dạy học phù hợp với học sinh dân tộc thiểu số, ông Nguyễn Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT khẳng định.
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc