Đổi mới trong từng tiết dạy
Có nhiều cách để đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục trong trường phổ thông hiện nay; trong đó, quan trọng nhất vẫn là tiến hành một “cuộc cách mạng” ngay trong từng tiết dạy của giáo viên.
Chú trọng câu hỏi gợi mở: Để nâng cao chất lượng giáo dục trong các trường phổ thông hiện nay, người giáo viên phải có phương pháp dạy học phù hợp, có câu hỏi gợi mở để cho học sinh phát triển tư duy và chủ động hơn trong từng tiết học của mình. Để có những câu hỏi gợi mở theo đúng nghĩa, đòi hỏi mỗi một giáo viên phải đầu tư, chuẩn bị chuẩn bị chu đáo từ giáo án đến tiến trình bài giảng. Bên cạnh đó, trong từng tiết học giáo viên cần phải trang bị đồ dùng dạy học như tranh ảnh, dụng cụ thí nghiệm hay soạn giáo án điện tử... để học sinh dễ nắm bắt và ghi nhớ bài học hơn.
Dung hòa giữa mới và cũ: Không có phương pháp giáo dục nào là vạn năng cả, vì vậy, giữa phương pháp dạy học truyền thống và phương pháp dạy học mới nên có sự kết hợp hài hòa. Học sinh đến lớp học phải vừa học, vừa chép bài nhưng việc học và chép bài như thế nào để có thể hiểu được bài học và vận dụng được trong thi cử hoặc trong cuộc sống mới là quan trọng. Chúng ta đều biết, mục tiêu cuối cùng của dạy học là làm thế nào để học sinh vừa có thể tiếp thu, vừa phát huy được tính chủ động, linh hoạt trong từng giờ học, bài học. Bởi vậy, mỗi phương pháp dạy học bao giờ cũng phải tính đến hiệu quả của nó thì mới có thể góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.
Mỗi tiết là một nụ cười: Theo quy định, giáo viên cấp THPT thực dạy mỗi tuần là 17 tiết. Nếu làm phép tính đơn giản thì mỗi ngày giáo viên dạy chưa đầy 3 tiết. Bởi vậy, thời gian còn lại, ngoài việc chấm bài, nếu giáo viên chuẩn bị chu đáo, đầu tư công sức thật sự cho từng tiết dạy của mình chắc chắn sẽ góp phần không nhỏ để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường phổ thông hiện nay. Thiết nghĩ, nếu tiết dạy nào có sự chuẩn bị chu đáo như những tiết hội giảng, thao giảng hằng năm thì chắc chắn chất lượng giáo dục sẽ được nâng lên rõ rệt. Hoặc ít ra sau mỗi tiết dạy, giáo viên ra khỏi lớp cảm thấy thoải mái hoặc nhận được nhiều tiếng vỗ tay, nụ cười từ phía học sinh là mĩ mãn nhất.
Ngô Mã Thiên
Ý kiến bạn đọc