Multimedia Đọc Báo in

Ngành Giáo dục Krông Bông: Thực hiện nhiều giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục học sinh vùng dân tộc thiểu số

08:55, 05/01/2013

Theo số liệu thống kê, kết thúc năm học 2011-2012, toàn huyện Krông Bông có 369 học sinh ở bậc tiểu học và THCS bỏ học; 1.850 học sinh THCS xếp loại học lực yếu, kém và 1.038 học sinh tiểu học xếp loại học lực yếu. Số học sinh này chủ yếu là học sinh dân tộc thiểu số (DTTS) tập trung ở các xã vùng sâu như: Hòa Phong, Cư Pui, Cư Drăm, Yang Mao. Nguyên nhân chủ yếu là do điều kiện học tập, sinh hoạt của các em còn nhiều khó khăn; phụ huynh chưa quan tâm, đặc biệt là vốn tiếng Việt của học sinh DTTS còn rất nhiều hạn chế (nhất là vùng dân di cư tự do).

Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở trường Tiểu học Yang Hăn.
Một buổi sinh hoạt chuyên đề ở trường Tiểu học Yang Hanh.

Để khắc phục tình trạng trên, ngay từ đầu năm học 2012-2013, Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Bông đã chỉ đạo các Cụm thi đua, Cụm chuyên môn, Ban giám hiệu các trường ở vùng sâu tăng cường tổ chức hoạt động chuyên môn, hoạt động ngoài giờ lên lớp. Thời gian vừa qua, các trường đã thực hiện có hiệu quả nhiều chuyên đề sát thực với điều kiện thực tế như: “Giải pháp giảm thiểu tình trạng học sinh bỏ học ở các trường vùng DTTS” của Trường Tiểu học Cư Pui 2; “Phương pháp phụ đạo học sinh yếu” của Trường Tiểu học Cư Pui 1; “Ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy” của Trường THCS Cư Pui; “Nâng cao chất lượng dạy môn Tiếng Việt” của Trường Tiểu học Cẩm Phong; “Giải pháp tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS” của Trường Tiểu học Cư Drăm; “Giải pháp tăng thời lượng giảng dạy môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học” của Trường Tiểu học Yang Hăn… Thầy Nguyễn Khánh Sơn, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yang Hăn cho biết: “Sau khi thực hiện chuyên đề về tăng thời lượng giảng dạy môn Tiếng Việt ở bậc tiểu học, 6 trường tiểu học trong Cụm đã thảo luận và đưa ra rất nhiều giải pháp hay để các trường lựa chọn. Kết quả, nhiều trường đã áp dụng mang lại hiệu quả rất tốt, chất lượng giảng dạy môn Tiếng Việt đối với học sinh DTTS đã được nâng lên”.

Công tác xã hội hóa trong việc nâng cao chất lượng Giáo dục cũng được các địa phương vùng sâu hết sức quan tâm.Phòng Giáo dục – Đào tạo đã phối hợp với các xã tổ chức Hội thảo về giáo dục nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, giáo viên và các tổ chức đoàn thể ở địa phương, đồng thời tìm ra những giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục. Ngoài ra, các Cụm trường tổ chức nhiều hoạt động ngoài giờ lên lớp như cuộc thi: “Đường lên đỉnh Chư Yang Sin”, “Rung chuông vàng”, “Kể chuyện tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” trong học sinh và giáo viên; giao lưu tiếng Việt cho học sinh DTTS; Hội thi các trò chơi dân gian...

Ông Lê Xuân Quý, Phó Trưởng Phòng Giáo dục – Đào tạo huyện Krông Bông cho biết: Qua thực hiện các giải pháp, tỷ lệ học sinh bỏ học trong học kỳ I vừa qua ở các trường vùng sâu đã giảm xuống so với cùng kỳ năm học trước. Thời gian tới, Phòng Giáo dục – Đào tạo tiếp tục chỉ đạo các trường vùng DTTS tăng cường các hoạt động ngoài giờ lên lớp, đặc biệt chú trọng đến chất lượng, nhằm gây hứng thú trong học tập cho học sinh; mở các chuyên đề về đổi mới phương pháp dạy học, đổi mới công tác kiểm tra, đánh giá; nâng cao ý thức, trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ, giáo viên; tham mưu với cấp trên ưu tiên các nguồn vốn để xây dựng cơ sở vật chất cho các trường vùng đặc biệt khó khăn, bảo đảm không phải học ca 3 và có điều kiện để phụ đạo học sinh yếu…

Tùng Lâm


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.