Thí sinh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam bộ có kết quả thấp hơn điểm sàn 1 điểm vẫn trúng tuyển đại học
Bộ Giáo dục - Đào tạo (GD-ĐT) đã ban hành Thông tư số 03-2013/TT-BGDĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học - cao đẳng (ĐH - CĐ) hệ chính quy áp dụng năm 2013 với nhiều điểm mới như sửa đổi, bổ sung đối tượng được tuyển thẳng, ưu tiên xét tuyển; thêm đối tượng dự thi liên thông; quy định thí sinh được mang máy ghi âm, ghi hình vào phòng thi; chấm ngẫu nhiên tối thiểu 5% tổng số bài thi của từng môn tự luận; sửa đổi môn thi năng khiếu, thay đổi thời gian xét tuyển…
Trong đó đáng chú ý là Bộ quy định về việc xét tuyển đối với thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm và tốt nghiệp trung học phổ thông (THPT) tại các huyện nghèo (học sinh học phổ thông dân tộc nội trú tính theo hộ khẩu thường trú) tính đến ngày nộp hồ sơ đăng ký xét tuyển; thí sinh là người dân tộc rất ít người và thí sinh 20 huyện nghèo biên giới, hải đảo thuộc khu vực Tây Nam Bộ. Các đối tượng này phải học bổ sung kiến thức 1 năm học trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường quy định.
Các trường ĐH - CĐ đóng trên địa bàn các tỉnh thuộc khu vực Tây Bắc, Tây Nguyên và Tây Nam bộ, được xét tuyển những thí sinh có hộ khẩu thường trú từ 3 năm trở lên, học 3 năm liên tục và tốt nghiệp THPT tại các tỉnh thuộc khu vực này (trừ những thí sinh đã được xét tuyển thẳng vào ĐH-CĐ) với kết quả thi thấp hơn điểm sàn 1 điểm và phải học bổ sung kiến thức 1 học kỳ trước khi vào học chính thức. Chương trình bổ sung kiến thức do Hiệu trưởng các trường qui định.
Cũng từ năm 2013, thí sinh đã tốt nghiệp trung cấp nghề, TCCN, CĐ nghề, CĐ chưa đủ 36 tháng kể từ ngày được cấp bằng tốt nghiệp có nguyện vọng học liên thông lên CĐ hoặc ĐH theo hình thức chính quy phải nộp hồ sơ đăng ký dự thi theo khối thi của ngành thí sinh đăng ký học liên thông, dự thi theo đề thi chung của Bộ GD-ĐT và được xét tuyển theo nguyện vọng học liên thông đã ghi trong hồ sơ đăng ký dự thi vào trường CĐ hoặc trường ĐH.
Theo thông tư này, về thời gian xét tuyển, trên cơ sở điểm sàn do Bộ GD-ĐT công bố, chỉ tiêu tuyển sinh đã xác định, các trường tự chủ, tự chịu trách nhiệm việc xét tuyển. Các trường có thể thực hiện nhiều đợt xét tuyển, thời gian xét tuyển mỗi đợt là 20 ngày, tính từ ngày thông báo xét tuyển. Các chi tiết liên quan đến điều kiện xét tuyển và thời gian xét tuyển được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của trường, trang thông tin điện tử về tuyển sinh của Bộ GD-ĐT và trên các phương tiện thông tin đại chúng. Thời hạn kết thúc việc xét tuyển là ngày 30-10 hằng năm.
Ý kiến bạn đọc