Multimedia Đọc Báo in

Tiếng kẻng khuyến học

06:40, 02/07/2013

Hơn một năm nay, tiếng kẻng báo hiệu giờ học bài đã trở nên quen thuộc với phụ huynh và học sinh xã Ea Ô (huyện Ea Kar). Đều đặn đúng 19 giờ khi tiếng kẻng vang lên, người lớn chủ động tránh gây tiếng ồn, vặn nhỏ âm thanh ti vi, không hát karaoke… để các cháu học bài, còn các em học sinh tự giác ngồi vào bàn học.

Học sinh ngày càng ý thức hơn trong học tập. (Ảnh minh họa)
Học sinh ngày càng ý thức hơn trong học tập. (Ảnh minh họa)

Ông Võ Huy Khôi, Phó Chủ tịch UBND xã Ea Ô cho hay: với học sinh ở trung tâm xã, mỗi buổi tối ngồi vào bàn học là việc rất đỗi bình thường, nhưng với trẻ em dân tộc thiểu số ở các thôn vùng sâu 1a, 1b, 6a, 6b, 9 rất xa lạ bởi phần lớn phụ huynh chỉ lo làm kinh tế, xem cái chữ không quan trọng bằng việc làm ra hạt lúa, hạt ngô; chuyện học hầu như phó mặc cho nhà trường, thầy, cô giáo. Mọi chuyện đã đổi khác từ cuối năm 2011, khi mô hình tiếng kẻng khuyến học được UBND xã triển khai đồng loạt tại 21 thôn trên địa bàn. Mỗi buổi tối, thay vì xem ti vi hay đi ngủ sớm, phụ huynh nhắc nhở con em ngồi vào bàn học bài. Ban đầu, nhiều gia đình chưa quen, nhưng qua công tác tuyên truyền, vận động của Ban tự quản thôn và các tổ chức đoàn thể phụ huynh đã ý thức hơn đối với việc học của con em mình. Giờ đây, tự học đã trở thành nền nếp sinh hoạt của mỗi gia đình. Nếu như trước đây, người dân xã Ea Ô thường khoe về sự giàu có của gia đình bằng đất đai, xe cộ thì nay con cái chăm ngoan, học giỏi là niềm vinh dự, tự hào. Vì vậy, phụ huynh dành thời gian quan tâm hơn đến việc học của con, mua sắm bàn, đèn học để các con có điều kiện học tập tốt hơn. Ông Võ Huy Khôi cho biết thêm: là một trong 4 xã điểm của tỉnh về xây dựng nông thôn mới, công an xã đã xây dựng mô hình tiếng kẻng an ninh, gồm 5 hiệu lệnh: khuyến học, báo yên, báo thức, báo động và báo họp. Ban đầu, nhiều gia đình không ủng hộ tiếng kẻng khuyến học, nhất là những nhà không có con em đang độ tuổi đi học vì ngại ồn, nhưng rồi họ cũng thông cảm và dần quen với tiếng kẻng, thậm chí giờ mỗi khi đi đâu xa lại thấy nhớ tiếng kẻng. Nhờ có tiếng kẻng khuyến học, chất lượng học tập của các em được nâng cao hơn, góp phần thực hiện tốt tiêu chí giáo dục trong Bộ tiêu chí quốc gia xây dựng nông thôn mới. Kết thúc năm học 2011-2012, tỷ lệ học sinh đạt học lực khá, giỏi của Ea Ô tăng so với năm học trước. Cụ thể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi bậc tiểu học đạt 69% (tăng 6%), bậc trung học cơ sở đạt 49,4% (tăng 4,5%).

Gia Nguyên 


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.