Mấu chốt vẫn là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh
Theo chủ trương của Bộ GD-ĐT, từ năm học 2013-2014, mỗi cơ sở giáo dục có thể lựa chọn một nội dung của phong trào thi đua xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực (THTT, HSTC) để thực hiện có chiều sâu.
Bởi sau 5 năm thực hiện (từ tháng 5-2008 đến nay), phong trào đã tạo nên một bước chuyển mạnh mẽ, toàn diện trong đời sống tinh thần, hành động của mỗi cán bộ quản lý, giáo viên và học sinh; tác động mạnh mẽ đến mọi tầng lớp trong xã hội, đặc biệt là các bậc phụ huynh đã nhận biết và thấu hiểu vai trò quan trọng trong việc phối hợp với nhà trường chăm lo, giáo dục học sinh. Ở tỉnh ta, sau 5 năm thực hiện phong trào thi đua (giai đoạn 2008-2013) đã đạt được một số thành tích nhất định, góp phần xây dựng môi trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả… Trong đó có thể kể đến một số hoạt động nổi bật như: xây dựng trường lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; thực hiện “3 đủ” (đủ ăn, đủ mặc, đủ đồ dùng học tập); xây mới hàng trăm công trình vệ sinh; tổ chức các hoạt động tập thể vui tươi, lành mạnh; tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hóa, cách mạng ở địa phương. Đặc biệt, ngành Giáo dục đã tổ chức nhiều hoạt động chuyên môn phong phú, đa dạng để giáo viên, học sinh giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục; đồng thời hỗ trợ đổi mới hoạt động quản lý, hoạt động chuyên môn, nhất là giảng dạy, thi cử.
Giáo dục kỹ năng sống giúp học sinh hình thành thói quen, nhân cách và lối sống tốt (ảnh minh họa). |
Thực hiện chủ trương của Bộ GD-ĐT, năm học 2013-2014 ngành Giáo dục tỉnh ta không xây dựng phương hướng, nhiệm vụ thực hiện phong trào THTT, HSTC. Tuy nhiên, theo bà H’Yim K’Đoh, Phó Giám đốc Sở GD-ĐT, trong 5 mục tiêu của phong trào thì mấu chốt vẫn là rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh (tiêu chí thứ 3). Mặc dù trong những năm qua, ngành Giáo dục đã nỗ lực tăng cường công tác giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, nhưng kết quả đạt được còn hạn chế, tỷ lệ học sinh đuối nước, vi phạm Luật Giao thông đường bộ còn cao, thậm chí đánh nhau dẫn đến tử vong… Thẳng thắn nhìn nhận, ngoài yếu tố khách quan là do tác động của nền kinh tế thị trường, sự bùng nổ của công nghệ thông tin, phân hóa giàu nghèo làm ảnh hưởng đến quá trình phát triển tâm, sinh lý của học sinh, thì một phần trách nhiệm không nhỏ thuộc về đơn vị chủ quản trong việc kiểm tra, theo dõi giám sát thực hiện phong trào thi đua. Hiện vẫn còn một bộ phận không nhỏ cán bộ quản lý, giáo viên nhận thức rằng chỉ cần truyền thụ kiến thức, nâng cao chất lượng giáo dục là đủ, nhưng lại quên việc giáo dục kỹ năng sống cho học sinh ngày càng trở nên bức thiết khi mà xã hội hiện đại đang tác động tới các em từ quá nhiều phía. Để phát triển toàn diện, các em rất cần được trang bị kỹ năng sống một cách đầy đủ.
Nguyên Hoa
Ý kiến bạn đọc