Ở một ngôi trường vùng "ốc đảo"
Những giáo viên vùng sâu luôn cố gắng hết mình trong việc dạy “con chữ” cho các em học sinh và động viên các em chuyên cần đến trường. |
Tập hát múa vui là vậy thế nhưng việc học của các em ở đây cũng lắm gian truân. Toàn bộ buôn Cham có khoảng 132 hộ dân với hơn 750 nhân khẩu. Do đất của buôn Cham chủ yếu là đất pha cát, sỏi, nên cuộc sống của người dân chủ yếu trông chờ vào các cây nông nghiệp ngắn ngày, như: bắp, đậu xanh; một số ít diện tích tiêu, và nuôi heo, bò thả rông… Cuộc sống còn rất khó khăn, hằng ngày toàn bộ người lớn trong buôn đều đi lên rẫy nên hầu như ít người quan tâm đến việc học hành của con cái mà chủ yếu đều trông chờ vào thầy, cô giáo của trường. Toàn bộ lớp học trong buôn và của điểm trường là do Chương trình đảm bảo chất lượng (SEQAP) tài trợ nên đều rất kiên cố và đầy đủ, thế nhưng vẫn còn đó nhiều khó khăn, thiếu thốn. Cô Su Rim cho biết, tại điểm trường buôn Cham hiện vẫn chưa có khu nhà vệ sinh nên rất bất tiện cho các thầy cô; giếng và bể nước phục vụ sinh hoạt đã bị hỏng hoàn toàn; mỗi lần vệ sinh lớp học, các em học sinh đều phải ra con suối gần đó xách nước về dùng. Khổ nhất là vào mùa mưa, do trường xây trên vùng trũng nên nước cứ dồn về, toàn bộ sân trường trở thành một cái ao nhỏ, những bầy heo do người dân thả rông chạy vào trường càng làm cho sân trường trở nên lầy lội hơn. Nước còn tràn vào lớp học, các em học sinh đều phải lội nước, lội bùn mà học. Thậm chí những ngày mưa, giáo viên cũng không dám cho học sinh ra chơi vì nếu ra chơi các em liền chạy ra ngoài, chơi một lúc rồi bỏ về nhà.
Ngoài ra, các hộ dân ở trong buôn đều rất đông con, đời sống khó khăn nên nhiều em đi học đều phải mang em để trông chứ để ở nhà thì không có ai! Những lúc đang học, các em nhỏ khóc nên các cô, đều phải ngưng giảng để dỗ dành giùm… Vất vả về đời sống là vậy thế nhưng rất nhiều thầy, cô trong trường đều xung phong về đây giảng dạy. Cô H’ K’hiet tâm sự: “Gia đình em ở huyện Krông Pak, thấy các em còn nhiều khó khăn nên em xung phong vào đây dạy. Mặt khác nhiều em học lớp 1 không biết tiếng Việt nên em sẽ giúp ích được rất nhiều trong việc truyền đạt kiến thức”. Có gia đình cả 4 anh em học không được đi học, các cô phải vào vận động và thuyết phục. Bởi thế nên lớp của cô Su Rim có bốn anh em: Sái, Lin, Tin, Tháo của nhà K’Sơr (sinh năm 1998, 2002, 2004 và 2006) cùng học chung một lớp. Lúc đầu vận động các em đi học rất khó khăn, vì đa phần đồng bào nghĩ rằng, lớn rồi đi làm kiếm cái ăn trước đã. Nhưng nhờ sự vận động kiên trì của cô giáo nên các em vui vẻ đến lớp. Khó nhất là những em lớn tuổi, nếu không khéo thì các em rất dễ tự ái. Giờ đây cả 4 anh em đi học rất đều và có em là học sinh giỏi của lớp.
Hoàng Gia
Ý kiến bạn đọc