Multimedia Đọc Báo in

Tấm lòng của những giáo viên "cắm bản"

09:39, 20/11/2013
Gần 10 năm nay, cứ đều đặn vào 4 giờ sáng thứ 2 hằng tuần, cô Trịnh Thị Hồng ở thôn 3 (xã Cư Ni, huyện Ea Kar) lại thức dậy chuẩn bị mọi thứ để kịp bắt chuyến xe buýt đầu tiên đi vào Trường Tiểu học Kim Đồng (xã Ea Tam, huyện Krông Năng) dạy học.
 
Trường Tiểu học Kim Đồng hiện có 697 học sinh, trong đó học sinh dân tộc thiểu số chiếm 90%. Tuy đã được đầu tư xây dựng cơ sở vật chất phục vụ việc dạy và học nhưng hiện nhà trường vẫn còn thiếu 6 phòng học và chưa có nhà công vụ nên phải tận dụng dãy nhà gỗ cũ làm nơi ăn ở, sinh hoạt cho giáo viên. Gọi là nhà nhưng thực ra đó chỉ là một khu đất trống được bao bọc, che chắn bằng những tấm ván, tấm tôn cũ, lâu ngày đã bị cong vênh, xiêu vẹo, mùa mưa thì dột, nước chảy lênh láng qua nền nhà, mùa gió lại lạnh buốt. Dãy nhà được ngăn thành 4 phòng, mỗi phòng chỉ rộng gần 10 m2, bên trong chẳng có gì ngoài một chiếc giường, chiếc bàn gỗ nhỏ và vài cái nồi, bát đĩa. Gắn bó với nơi này đã từng ấy năm, kỷ niệm cũng nhiều nhưng cô Hồng nhớ nhất là lần hai mẹ con phải “chạy nạn” giữa đêm. Chuyện là vào một đêm của năm 2009, sau khi cô soạn giáo án xong, 2 mẹ con vừa lên giường đi ngủ thì trời chuyển mưa nặng hạt, kèm theo gió lốc, mái tôn của dãy nhà bị cuốn phăng. Vậy là hai mẹ con cô Hồng và các cô giáo khác phải chạy lên dãy phòng học của nhà trường để tránh bão, cả đêm ai cũng thao thức không ngủ được. Sáng hôm sau, các thầy, cô trong trường lại cùng nhau tận dụng tôn cũ lợp lại mái nhà, dán thêm báo và đóng bạt xung quanh để giảm bớt gió lùa, mưa dột… Điều kiện ăn ở, sinh hoạt khó khăn, thiếu thốn là vậy nhưng những năm qua, cô Hồng và các thầy, cô giáo khác vẫn tìm mọi cách khắc phục, kiên quyết bám trụ gieo chữ cho học trò nghèo nơi vùng sâu này. Thầy Đinh Quang Mục, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Toàn trường có 53 cán bộ, giáo viên, trong đó có 8 giáo viên nhà xa, cách trường từ 50-80 km nên phải ở nội trú tại trường. Mặc dù dãy nhà nội trú này đã xuống cấp, hư hỏng, dột nát nhiều song do không có kinh phí nên chưa thể tiến hành sửa chữa, nâng cấp được. Nhà trường chỉ mong sao các cấp, ngành sớm quan tâm đầu tư xây dựng khu nhà công vụ, tạo điều kiện cho các giáo viên có nơi ăn chốn ở tươm tất hơn để yên tâm cống hiến cho sự nghiệp trồng người.
Thầy Trần Đăng Hải, giáo viên Trường Tiểu học  Ea Dah đến thăm gia đình học sinh.
Thầy Trần Đăng Hải, giáo viên Trường Tiểu học Ea Dah đến thăm gia đình học sinh.

Ở Trường Tiểu học Ea Dah (xã Ea Dah, huyện Krông Năng), bên cạnh nhiệm vụ giảng dạy, các thầy, cô giáo còn kiêm cả việc “dỗ dành”, vận động từng em học sinh đến lớp. Toàn trường có 396 học sinh, trong đó có 366 em dân tộc thiểu số phía Bắc, đa phần đều có hoàn cảnh gia đình khó khăn, cơm không đủ no, áo chưa đủ ấm, nhiều em đến trường trong bộ đồ cũ nhàu, tóc tai, mặt mũi nhem nhuốc. Vì nhà cách xa trường từ 3 đến 15 km nên trong hành trang của các em, ngoài sách, vở, dụng cụ học tập, còn có thêm gói mì tôm, lúc lại nắm cơm nguội hoặc gói xôi lót dạ qua trưa chờ giờ học buổi chiều. Một số em được gửi ở nhà người quen gần trường để đi học, hoặc tự lập vì bố mẹ phải đi làm ăn xa. Những khó khăn về điều kiện kinh tế cộng thêm đường sá xa xôi, cách trở nên nhiều em đã nghỉ học ở nhà trông em hoặc làm nương rẫy. Thầy Hồ Tá Hùng, Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Mặc dù tỷ lệ vận động trẻ 6 tuổi đến trường đã đạt 98% nhưng để có thể duy trì sĩ số lớp thì bên cạnh việc giảng dạy, các thầy, cô giáo phải thường xuyên xuống tận thôn vận động các em đến lớp. Không những vậy, do ngôn ngữ bất đồng nên các thầy cô càng vất vả hơn trong việc giảng dạy và truyền đạt kiến thức cho học sinh”. Tuy mới về trường công tác được 4 năm, nhưng thầy Trần Đăng Hải thuộc nằm lòng đường đến nhà những em có hoàn cảnh khó khăn nhất của trường. Bởi ngoài nhiệm vụ của một giáo viên Tổng phụ trách Đội, thầy Hải thường xuyên cùng các thầy, cô giáo trong trường vận động các mạnh thường quân, người dân trên địa bàn đóng góp, ủng hộ hoặc trích lương mua quần áo, mì tôm, gạo… đưa đến tận nhà hỗ trợ và vận động phụ huynh cho các em tiếp tục đến lớp. “Địa điểm xa và khó khăn nhất là thôn Giang Đông. Để đi được đến thôn, các thầy, cô phải vượt qua quãng đường khoảng 15 km, lội qua sông suối và cả những dốc đá trơn trượt. Những hôm gặp trời mưa đành ngủ lại ở nhà phụ huynh”, thầy Hải bộc bạch.

Vượt lên trên mọi khó khăn, thiếu thốn, các thầy cô nơi đây vẫn ngày ngày thầm lặng gieo con chữ cho các em học sinh chỉ với một hy vọng, một nỗi niềm đau đáu là rồi đây, ở những thôn người dân tộc thiểu số xa xôi và khó khăn nhất cũng sẽ không còn ai mù chữ; ai cũng biết đọc, biết viết, biết làm tính và chính các em học sinh hôm nay sẽ “thắp sáng” buôn làng bằng kiến thức được các thầy cô giảng dạy...

Nguyễn Xuân


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.