Multimedia Đọc Báo in

Thầy giáo trẻ mang "con chữ" đến với học trò vùng sâu

09:40, 20/11/2013
Năng động, sáng tạo, nhiệt tình, tâm huyết với công tác giảng dạy cũng như phong trào của Đoàn, Hội - đó là điều dễ dàng nhận thấy khi tiếp xúc với thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Hiệp, giáo viên bộ môn ngữ văn, Bí thư Đoàn Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui, huyện Krông Bông).
  Thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Hiệp soạn giáo án điện tử  phục vụ công tác chuyên môn.
Thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Hiệp soạn giáo án điện tử phục vụ công tác chuyên môn.

Năm 2008, sau khi tốt nghiệp ngành sư phạm ngữ văn (Trường Đại học Tây Nguyên), không giống như bạn bè cùng trang lứa xin dạy ở trung tâm các huyện, thị xã, thành phố, thầy giáo trẻ Nguyễn Hữu Hiệp đã đăng ký về xã khó khăn của huyện Krông Bông công tác bởi theo anh nghĩ các em học sinh vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu rất nhiều “cái chữ”. Nguyện vọng của anh được phòng Giáo dục và Đào tạo huyện đáp ứng và anh trở thành giáo viên của Trường THCS Cư Pui (xã Cư Pui). Tuổi đời còn trẻ cộng với việc chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy nên ban đầu thầy cũng gặp không ít khó khăn, tuy nhiên với lòng yêu trẻ và “say” nghề, thầy đã học hỏi kinh nghiệm giảng dạy của những người đi trước, quan sát phong cách giảng dạy của đồng nghiệp để tìm ra phương pháp dạy tốt nhất cho mình; đồng thời tự trau dồi kiến thức chuyên môn để nâng cao trình độ. Nhiều đêm liền, bên trang giáo án soạn dở, thầy luôn trăn trở câu hỏi: “Làm thế nào để học sinh ra lớp đều đặn bởi cuộc sống người dân nơi đây còn nhiều khó khăn, cái ăn qua bữa còn thiếu nói gì đến việc học hành của con cái, hơn nữa nhiều học sinh ở xa nên cũng rất ngại đến trường”. Vì vậy, đã nhiều lần thầy và đồng nghiệp phải lặn lội xuống tận nhà người dân để vận động bà con cho con em tới lớp. Chỉ sau một thời gian, sự nhiệt tình của thầy đã được bù đắp, học trò không còn bỏ học mà đến trường đều đặn hơn…

Trong công tác chuyên môn, thầy Hiệp luôn cố gắng đem đến cho học trò những bài giảng hay, những kiến thức bổ ích. Thầy chia sẻ: “Môn mình dạy là môn văn học, học sinh ngày nay thường chưa chú tâm nhiều đến việc học môn này, vì thế mình càng phải cố gắng để tìm ra phương pháp giảng phù hợp nhất để tạo niềm say mê cho học sinh. Dạy văn cần chú trọng về các vấn đề nhân văn, dạy cho học sinh biết yêu thương giúp đỡ mọi người xung quanh, biết cách ứng xử văn hóa, văn minh. Người giáo viên phải biết lồng ghép thông qua giảng dạy thêm những bài học về đạo đức và kể những câu chuyện về Bác Hồ cho các em noi theo. Theo thầy, một trong những giải pháp hữu hiệu nhất giúp học sinh tiến bộ môn văn là người giáo viên cần uốn nắn từng kỹ năng cho học sinh. Chẳng hạn, ở các tiết học “chấm và trả bài tập làm văn” thầy dành thời gian đọc, sửa từng bài văn cho học sinh, từ lỗi chính tả, lỗi diễn đạt đến nội dung toàn bài để uốn nắn kịp thời. Thầy đặc biệt chú ý đến những bài văn có ý tưởng độc đáo, có cách nhìn nhận vấn đề mới lạ để bồi dưỡng năng khiếu cho học sinh. Ngoài ra, để đáp ứng nhu cầu đổi mới trong phương pháp giảng dạy và tạo không khí lớp học thêm sinh động, phong phú, bên cạnh việc truyền dạy kiến thức bài học, thầy thường xuyên kể nhiều câu chuyện hấp dẫn, thú vị để thu hút học sinh nghe giảng, từ đó giúp các em có sự cảm nhận tác phẩm văn học ở nhiều khía cạnh khác nhau, áp dụng trong sinh hoạt hằng ngày một cách linh hoạt. Thầy cho biết, người thầy phải luôn gần gũi, sẵn sàng lắng nghe ý kiến và giải đáp thắc mắc của học sinh, như thế học sinh mới không cảm thấy chán và sợ học môn văn… Ngoài công tác chuyên môn, thầy Hiệp còn là một Bí thư Đoàn Trường năng nổ, nhiệt tình trong các phong trào Đoàn và các phong trào thi đua, được tập thể thầy cô giáo nhà trường quý mến. Dù ở cương vị nào, thầy cũng luôn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Năm học vừa qua, thầy Hiệp đã được Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Krông Bông công nhận giáo viên dạy giỏi cấp huyện; nhiều năm liền được tặng danh hiệu “Lao động tiên tiến”; được giải cao tại các kỳ thi soạn giảng bằng giáo án điện tử…

Thầy Nguyễn Hữu Huân, Hiệu trưởng Trường THCS Cư Pui nhận xét: “Thầy giáo Nguyễn Hữu Hiệp không chỉ giỏi về chuyên môn mà còn gần gũi hòa đồng, được học trò và đồng nghiệp yêu mến. Thầy luôn phấn đấu không ngừng để có những phương pháp dạy học mới, những cách dạy hay để truyền đạt cho học sinh dễ hiểu, từ đó giúp các em tiếp thu bài học một cách chủ động và dễ dàng hơn”.

Thế Hùng


Ý kiến bạn đọc


(E-magazine) Kiến tạo kinh tế nông nghiệp, nông thôn
Đắk Lắk không chỉ nằm trong khu vực có hệ sinh thái tự nhiên phong phú, đa dạng phù hợp cho phát triển nông nghiệp, mà còn là địa phương có đến 49/53 dân tộc thiểu số cùng sinh sống. Đây là lợi thế cạnh tranh rất lớn cho tỉnh trong xây dựng và phát triển Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), tạo dựng nền nông nghiệp giàu bản sắc, kiến tạo kinh tế vùng nông thôn vững mạnh, tạo cú hích nâng tầm giá trị cho nông sản địa phương vươn ra thị trường trong và ngoài nước.