Nhọc nhằn hành trình tìm chữ ở xã căn cứ Cư Drăm
Trở lại xã căn cứ Cư Drăm (huyện Krông Bông) khi cái lạnh tràn về, chúng tôi không khỏi nao lòng trước những chiếc lều làm tạm bằng tre nứa của học sinh dân tộc thiểu số như trở nên “bất lực” trước mùa đông và các em phải tự che chắn gió lùa qua liếp vách, tìm cách sưởi ấm trong những đêm giá lạnh…
Dựng lều học chữ
Chuyện học sinh dân tộc thiểu số ở xã Cư Drăm phải mượn hoặc thuê đất của người dân gần trường dựng lều ở học đã diễn ra từ nhiều năm qua nhưng ít ai thấu hiểu những khó khăn, nhọc nhằn của các em trong những chiếc lều tạm bợ ấy. Thầy Ngô Hữu Ba, Phó Hiệu trưởng THCS Cư Drăm cho biết, có khoảng 10-15 chiếc lều của học sinh người Mông được dựng lên xung quanh trường làm chỗ che mưa che nắng trọ học. Trước đây, số học sinh dựng lều trọ học nhiều, nhưng từ đầu năm học 2013-2014 tuyến xe buýt về xã Yang Hanh được mở, nên một số em không ở trọ nữa. Cùng với thầy Ba, chúng tôi “đột kích” vào một chiếc lều ở phía trước cổng trường có tường bằng tre, mái phủ bạt thấp lè tè. Đang giữa buổi học nên trong lều chỉ có em Thào Minh Chính, học sinh lớp 10A4 Trường THPT Trần Hưng Đạo. Thấy thầy giáo bước vào, Chính vòng tay lễ phép chào. Là cựu học sinh của trường và là người có “thâm niên” lâu nhất với chiếc lều nên em khá quen thuộc với những vị khách đến thăm như tôi. Chính cho biết: nhà em ở xa trường, nên năm em học lớp 7, bố mẹ thuê đất của chủ quán tạp hóa dựng lều làm chỗ che mưa che nắng trọ học. Căn lều rộng hơn 10m2 “trống trước, trống sau” nhưng có đến 4 người ở cùng. Trong lều chỉ có 1 chiếc giường ọp ẹp được lắp bằng những tấm ván vừa làm chỗ ngủ vừa làm chỗ học bài. Rời căn lều của Chính chúng tôi đến thăm căn lều của Thào A Súa (học sinh lớp 8A) nằm chơ vơ giữa cánh đồng ở cách trường không xa. Căn lều rộng chừng 9m², được dựng bằng cây lồ ô, mái lợp tranh. Để gió không lùa vào lều, Súa và 3 bạn ở cùng đã tận dụng những tấm ni lông được cắt từ túi đựng phân hóa học che xung quanh. Súa cho biết: “Mấy ngày gần đây trời trở gió và lạnh, chiếc chiếu nhàu nát và tấm mền mỏng không đủ ấm, tụi em phải đốt lửa sưởi cả ngày lẫn đêm, nhiều đêm lạnh quá không ngủ được..”.
Chiếc áo sơ mi trắng mỏng manh không thể xua tan cái lạnh, em Thào A Súa phải thổi lửa để sưởi ấm khi học bài. |
Ước mơ “cơm có thịt”
Đập vào mắt chúng tôi khi bước vào các căn lều là những chiếc nồi ám đầy khói đặt xung quanh bếp. Tìm hiểu kỹ mới biết, dẫu ở chung nhưng mỗi thành viên nấu một nồi cơm riêng. Em Thào Minh Chính cho biết, nhà ở xa trường hơn 10km nên cuối tuần các em về thăm nhà một lần, mỗi lần bố mẹ tiếp tế gạo, muối hạt, rau để dành ăn dần và cho thêm 50.000 đồng chi tiêu trong một tuần. Do đó, 1-2 ngày đầu tuần, các em mới dám mua ít thịt, những bữa còn lại chỉ có rau, muối, ớt xanh. Bữa cơm trưa nay của 4 thành viên trong căn lều chỉ có cơm, 2 trái khổ qua, vài cọng hành, ngò và mấy quả ớt xanh Chính vừa mua ở quán tạp hóa trước cổng trường. Bữa cơm của các bạn ở trong túp lều của Thào A Súa cũng chẳng khá hơn, món chủ đạo vẫn là nước đun sôi với ít muối hột và ớt xanh. Không nấu ăn chung, 4 bạn 4 chiếc nồi riêng biệt, đơn giản vì nhà nào cũng nghèo, nên càng tiết kiệm càng tốt. “Mùa mưa, tụi em thường vào rừng gần trường đào măng về ăn thêm, còn mùa nắng thì chịu. Khổ, nhưng bọn em vẫn ráng học để lấy cái chữ; bởi nếu không đi học thì tụi em phải ở nhà lên nương, lên rẫy phụ bố mẹ hoặc lấy vợ. Nhiều bạn cùng trang lứa với em không đi học, phần lớn đều đã lấy vợ, có con cả rồi. Khổ cực mấy em vẫn cố gắng học” - Súa tâm sự.
Thầy Ngô Hữu Ba cho hay: thấy hoàn cảnh khó khăn, thiếu thốn của các em trọ học mà chảy nước mắt. Nhà trường nhiều lần kiến nghị ngành chức năng và các cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng mô hình bán trú dân nuôi để các em có nơi ở và được chăm sóc tốt hơn. Mới đây, trường tiếp tục xin UBND xã Cư Drăm cấp 2 sào đất ở phía sau trường để các em dựng lều ở tập trung cho dễ quản lý nhưng chưa được giải quyết. Điều kiện trọ học thiếu thốn, lại thiếu sự quản lý, nhắc nhở của giáo viên nên có nhiều em sao nhãng học tập, phần lớn thời gian buổi tối ra hàng quán xem ti vi hoặc đi chơi, do đó ít nhiều ảnh hưởng đến kết quả học tập. Kết thúc năm học 2012-2013, trong tổng số 322 học sinh dân tộc thiểu số, thì có 116 em học lực yếu, 9 em học lực kém. Đáng buồn trong số 19 em học sinh dân tộc thiểu số bỏ học, nguyên nhân chủ yếu do học lực yếu kém, hoàn cảnh gia đình khó khăn. Có một thực tế khi thầy, cô đi kiểm tra các lều vẫn thấy các em ôm sách vở học bài, nhưng khi kiểm tra bài cũ đến 5 lần vẫn không thuộc bài!
Mục sở thị bữa ăn của các em chỉ có rau rừng chấm với muốt ớt xanh, mùa măng có thêm đĩa măng luộc chấm muối, thỉnh thoảng có quả trứng, miếng thịt, tôi chợt nhớ đến Chương trình “Cơm có thịt” của nhà báo Trần Đăng Tuấn, nguyên Phó Tổng giám đốc Đài Truyền hình Việt Nam và thầm mong bữa cơm của các em được cải thiện hơn. Hiện các em đã được cấp tiền theo chính sách hỗ trợ tiền ăn, nhà ở cho học sinh nhà ở xa trường, địa hình khó khăn, giao thông đi lại cách trở (Quyết định 85/2010/QĐ-TTg) mỗi tháng 520.000 đồng, nhưng nhiều em đưa về cho bố mẹ giữ hộ, hằng tuần được gia đình cấp lại một ít, còn thì để mua sắm quần áo… Và do vậy, những học sinh dân tộc thiểu số nhà cách xa trường ở xã Cư Drăm vẫn đến trường trong gió lạnh với bữa ăn “chay trường” quanh năm…
Gia Nguyên
Ý kiến bạn đọc