Để học sinh không còn "sợ" môn Sử
Đang ngồi uống nước với anh chị, nghe những lời chia sẻ của đứa cháu mà tôi chạnh lòng. Không chạnh lòng sao được, khi tôi cũng là một cử nhân ngành Lịch sử. Tôi thích môn Lịch sử từ khi còn là một cậu bé, mỗi lần nghe bố tôi kể chuyện chiến trường là tôi mê tít. Hình ảnh chiếc mũ kêpi với ngôi sao vàng lấp lánh cùng bộ quân phục đậm chất lính mỗi dịp bố về phép thăm nhà đã để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng tôi. Khi tôi đang học tiểu học, có lần cô giáo ra câu hỏi: “Em hãy cho biết trong Chiến dịch Điện Biên Phủ người anh hùng lấy thân mình chèn pháo là ai? Người anh hùng nào lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai? Người anh hùng nào lấy thân mình làm giá súng cho đồng đội tiêu diệt kẻ thù?”. Cô giáo bảo chúng tôi về tìm hiểu. Quả thật, ở vùng quê nghèo như quê tôi hồi đó, cái ăn còn khó chứ nói gì tới sách vở đầy đủ để học. Không có sách thì tôi đã có bố, đem những câu hỏi ấy cho bố, tôi được bố kể chi tiết tên từng người và hoàn cảnh tạo nên những người anh hùng đó: Anh hùng Tô Vĩnh Diện lấy thân mình chèn pháo, Anh hùng Liệt sĩ Phan Đình Giót lao cả thân mình vào bịt kín lỗ châu mai, Anh hùng Bế Văn Đàn lấy thân mình làm giá súng. Đó là những tấm gương anh dũng tiêu biểu trong Quân đội nhân dân Việt Nam. Môn Lịch sử cho tôi biết về những người anh hùng, ý nghĩa của những cuộc chiến đấu chống ngoại xâm của dân tộc ta và tôi càng hiểu thêm, yêu thêm truyền thống kiên cường, bất khuất của dân tộc mình.
Vậy mà giờ đây môn học tôi yêu quý lại khiến nhiều học sinh coi là “khô khan, khó nhằn”. Theo công bố các môn thi tốt nghiệp THPT năm học 2013-2014 của Bộ GD-ĐT, ngoài 2 môn bắt buộc là Toán và Văn thì học sinh được tự chọn trong số các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học, Địa lý, Lịch sử và Ngoại ngữ. Sau khi công bố, kết quả ở nhiều trường THPT trên cả nước cho thấy, số lượng học sinh chọn thi môn Sử rất ít, thậm chí có trường không có học sinh nào chọn thi Sử. Nhìn vào kết quả khảo sát ban đầu có thể thấy một thực trạng là hiện nay học sinh đang “quay lưng” lại với môn Sử. Gần đây, clip học sinh xé tài liệu ôn tập môn Lịch sử ngay tại trường để “ăn mừng” vì không phải thi tốt nghiệp khiến dư luận xôn xao. Trước đây cũng đã xảy ra tình trạng trong kỳ thi đại học, cao đẳng nhiều bài thi môn Lịch sử có số điểm thi rất thấp cũng đã phản ánh rõ nét thực trạng dạy và học môn Sử hiện nay của học sinh. Tại sao lại xảy ra tình trạng này? Liệu do chương trình sách giáo khoa quá nặng? Cách dạy nhàm chán? Hay lo ngại điểm thấp… Mang những băn khoăn này hỏi đứa cháu chuẩn bị thi tốt nghiệp thì câu trả lời nhận được là: “Cháu thấy học môn Sử thầy cô toàn cho đọc chép, bắt phải học thuộc, số liệu, ngày tháng nhiều nên khó nhớ. Khi thi đại học, chỉ những bạn chọn thi khối C mới học Sử còn tụi cháu phần lớn thi các khối A, B, D nên chọn mấy môn trong khối cho tiện, chứ chọn môn Sử tốn thời gian ôn bài. Thậm chí ở trường các thầy cô dạy Sử cũng khuyên bọn cháu đừng chọn thi môn Sử vì thi những môn khác có lợi hơn. Môn Lịch sử thi theo hình thức tự luận sẽ mệt mỏi và khó lấy điểm hơn”. Qua tìm hiểu, một trong những nguyên nhân khiến học sinh “chán” học Lịch sử là chương trình môn Sử khá nặng so với sức của học sinh bậc THPT trong khi thời lượng được học trên lớp lại quá ít, lớp 10, lớp 12 học sinh được học 1,5 tiết Lịch sử/tuần, lớp 11 học 1 tiết/tuần; vì thế có những bài giáo viên không đủ thời gian để chuyển tải hết những cái hay, cái đẹp, sự hấp dẫn của môn học đến học sinh.
Bác Hồ đã từng dạy “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam”. Thiết nghĩ, để những học sinh như cháu tôi không "sợ" môn Sử, trước hết là phải đổi mới cách dạy ở trường phổ thông, sau đó là những cải tiến về sách giáo khoa, thi cử...
Nguyễn Tuấn Anh
Ý kiến bạn đọc